Trung Quốc có thể làm gì sau chính biến ở Myanmar?

Văn Khoa
Văn Khoa
02/02/2021 12:53 GMT+7

Bắc Kinh đã lên tiếng về vụ quân đội Myanmar bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử Myanmar hôm 1.2, trong khi nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh hiện không có nhiều lựa chọn phản ứng.

Sáng 1.2, tờ The Myanmar Times đưa tin quân đội Myanmar bắt giữ Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và một số quan chức khác của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng giành chiến thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.2020.
Phản ứng về chính biến trên ở Myanmar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 1.2 cho hay: “Chúng tôi lưu ý những gì đã xảy ra ở Myanmar và đang tìm hiểu thêm về tình hình. Trung Quốc và Myanmar là láng giềng hữu nghị. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên giải quyết các bất đồng một cách hợp lý theo hiến pháp và khuôn khổ pháp lý nhằm duy trì ổn định chính trị và xã hội”.

ASEAN kêu gọi đối thoại sau chính biến ở Myanmar

Sau cuộc chính biến ở Myanmar, ASEAN ngày 1.2 ra thông cáo vắn tắt kêu gọi Myanmar theo đuổi “đối thoại, hòa giải và trở lại bình thường”, theo Reuters. “Chúng tôi lặp lại rằng ổn định chính trị ở các nước thành viên ASEAN cần thiết cho việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, ASEAN nhấn mạnh trong thông cáo. Brunei hiện giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021.

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ với tờ South China Morning Post (SCMP) rằng cuộc chính biến đã đẩy Trung Quốc vào vị trí khó xử vì “phần cốt lõi của vụ việc là mâu thuẫn giữa liên minh chính trị do bà Suu Kyi dẫn đầu và lực lượng quyền lực thuộc quân đội Myanmar trong khi cả hai bên đều có quan hệ hữu hảo với Trung Quốc”.
“Hiện bây giờ, Trung Quốc chỉ có thể theo dõi tình hình, nhưng sẽ không làm gì cả”, nguồn tin tiết lộ, cho rằng nhiều dự án của Trung Quốc ở Myanmar có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chính biến. Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ 2 ở Myanmar, chỉ đứng sau Singapore, theo SCMP.

[VIDEO] Người dân Myanmar nói gì về chính biến bất ngờ?

Cũng theo nguồn tin, quân đội Trung Quốc lâu nay không quan ngại rằng tình trạng mâu thuẫn nội bộ Myanmar có thể lan sang lãnh thổ Trung Quốc và ảnh hưởng tới công dân nước này. “Tôi cho rằng vài cuộc biểu tình quy mô nhỏ sẽ diễn ra trong vài ngày tới, nhưng sẽ không dẫn tới bùng phát xung đột giữa chính phủ Myanmar và các phe nổi dậy thiểu số”, nguồn tin cho biết thêm.
Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài hơn 2.100 km với phía bắc của Myanmar, một khu vực lâu nay xảy ra cuộc xung đột giữa chính quyền và các nhóm nổi dậy thiểu số. Hồi tháng 4.2020, 3 quả bom bị thả lạc vào lãnh thổ Trung Quốc, gây thiệt hại cho một số tòa nhà, không có thương vong. Tuy nhiên, một công dân Trung Quốc đã thiệt mạng hồi năm 2017, khi pháo do lực lượng chính phủ Myanmarkhai hỏa đã bay lạc trúng một trường học ở phía Trung Quốc. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.