Trung Quốc đẩy mạnh khai mỏ ở vùng tranh chấp với Ấn Độ trên dãy Himalaya

Văn Khoa
Văn Khoa
27/05/2018 19:00 GMT+7

Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng bằng cách tiến hành khai khác mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng biên giới có tranh chấp với Ấn Độ ở dãy Himalaya, Bắc Kinh có thể biến khu vực thành “Biển Đông thứ hai”.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Bắc Kinh vừa bắt đầu tiến hành hoạt động khai thác mỏ quy mô lớn ở huyện Long Tử thuộc Khu tự trị Tây Tạng nằm ở khu vực biên giới giáp với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với phần lớn bang này và gọi là Tạng Nam.
Ông Trịnh Hữu Nghiệp, giáo sư thuộc Đại học Địa chất Trung Quốc ở Bắc Kinh và là nhà khoa học hàng đầu về cuộc khảo sát khoáng sản ở phía bắc Himalaya do Bắc Kinh tài trợ, khẳng định với SCMP rằng những nghiên cứu trong mấy năm gần đây cho thấy giá trị tiềm năng của các mỏ kim loại quý, trong đó có vàng, ở Long Tử và khu vực gần đó có thể lên tới 370 tỉ nhân dân tệ (58 tỉ USD). “Đây chỉ là ước tính ban đầu. Nhiều cuộc khảo sát còn đang được tiến hành”, ông Trịnh cho biết thêm.
Chỉ trong vài năm, phát hiện nói trên đã biến Long Tử, một huyện hẻo lánh, với khoảng 30.000 dân, thành một trung tâm khai thác mỏ phát triển nhanh chóng. Lượng người đổ xô đến khu vực tăng nhanh đến mức chính quyền địa phương không thể cung cấp con số chính xác về dân số hiện tại. Nhiều đường hầm sâu và rộng được đào sâu trong các núi, cho phép xe tải chở hàng ngàn tấn quặng ra khỏi khu vực mỗi ngày.
Trung Quốc cũng đã lắp đặt hệ thống truyền dẫn điện và mạng lưới liên lạc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đang xây dựng một sân bay. Tính đến cuối năm ngoái, mức độ hoạt động khai khác mỏ ở Long Tử vượt qua hoạt động tương tự của tất cả những khu vực khác ở Tây Tạng. Tăng trưởng kinh tế đạt ở mức 20%, đầu tư cơ sở hạ tầng tăng gấp đôi so với năm 2016 và mức thu nhập bình quân của người dân địa phương tăng gần gấp 3 lần so với trước, theo SCMP dẫn thống kê của chính quyền địa phương.
Cũng theo ông Trịnh, những hoạt động khai thác mỏ mới sẽ dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể về dân số Trung Quốc ở Himalaya. Ông cho rằng điều này sẽ cung cấp hỗ trợ lâu dài, ổn định cho bất kỳ hoạt động quân sự và ngoại giao nhằm dần dần đẩy  lực lượng Ấn Độ ra khỏi vùng lãnh thổ mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Ông Trịnh cũng liên hệ điều này với những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông Trong mấy năm qua, Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với phần lớn Biển Đông bằng cách xây đảo nhân tạo và gia tăng hoạt động hải quân.
Tượng tự, nhà nghiên cứu Hác Hiểu Quang, một chuyên gia cấp cao của chính quyền Trung Quốc về tranh chấp Ấn-Trung ở Arunachal Pradesh/Tạng Nam, nhận định Bắc Kinh có thể có cách tiếp cận Himalaya như đã làm ở Biển Đông. Ông Hác còn cho rằng khi kinh tế và sức mạnh quân sự cũng như địa chính trị của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, “việc Trung Quốc kiểm soát trở lại Nam Tây Tạng chỉ là vấn đề thời gian”.
Hầu hết lãnh thổ bang Arunachal Pradesh/Tạng Nam được chính phủ Tây Tạng nhượng cho Anh theo Điều ước Simla năm 1914, để nhập vào lãnh thổ Ấn Độ thuộc Anh. Trung Quốc không công nhận tính hợp pháp của hiệp định này, và yêu sách chủ quyền hầu hết bang này với tên gọi Tạng Nam. Trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, quân Trung Quốc từng tạm thời chiếm đóng vùng này trước khi đơn phương triệt thoái.
Ấn Độ hiện kiểm soát phần lớn vùng đất với diện tích 83.000 km2 và dân số 1,2 triệu người này. Trong nhiều thập niên qua, New Delhi đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, như xây sân bay và các căn cứ tên lửa. New Delhi cũng đã khuyến khích người dân ở nhiều khu vực khác của Ấn Độ di cư đến đây, theo SCMP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.