Trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ mới có tên nhà lãnh đạo cách mạng Mao Trạch Đông được gắn liền với từ “tư tưởng”.
Tờ Nikkei Asian Review ngày 21.7 đưa tin truyền thông nhà nước Trung Quốc thời gian gần đây bắt đầu đề cập đến “Tư tưởng Tập Cận Bình”, gợi ý về quá trình chuẩn bị của Bắc Kinh nhằm nâng cao vị thế của vị tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đương nhiệm lên ngang hàng với nhà lãnh đạo cách mạng Mao Trạch Đông trong điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cụ thể, tập san Nghiên cứu Xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong số mới nhất đã đăng bài xã luận khẳng định các chính sách được Bắc Kinh thúc đẩy kể từ khi Tổng bí thư Tập Cận Bình nhậm chức năm 2012 có thể được gọi một cách chính xác là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Bài báo ca ngợi triết lý của ông Tập Cận Bình là hình thức rực rỡ nhất từng được nhìn thấy của chủ nghĩa Marx ở nước Trung Quốc thời hiện đại.
Trung Quốc đã bổ nhiệm ngôi sao đang lên trên chính trường Trần Mẫn Nhĩ làm bí thư thành ủyTrùng Khánh.
Theo tập san Nghiên cứu Xây dựng Đảng, “Tư tưởng Tập Cận Bình” ưu tiên việc xây dựng “5 trong 1”, tức phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái. Các chính sách thúc đẩy mục tiêu này được tổng kết trong Lý luận “Bốn toàn diện”, bao gồm xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện và quản lý đảng nghiêm khắc toàn diện.
Trong một bài viết mới đây trên tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao hàng đầu ở nước này, cũng nhắc đến “Tư tưởng của Tổng bí thư Tập Cận Bình về ngoại giao”. Các tư tưởng này đại diện “triết lý và chiến lược quản lý mới của Trung ương Đảng khi chúng được áp dụng cho ngoại giao và là một phần không thể thiếu trong các lý thuyết chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, ông Dương viết.
Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn khẳng định đảng này được dẫn dắt bởi triết lý của các lãnh đạo trong quá khứ. Trong số đó, chỉ có hai triết lý được gắn liền với danh tính của chủ nhân là “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý luận Đặng Tiểu Bình”. Vì “tư tưởng” xếp trên “lý luận”, nên nếu điều lệ Đảng được sửa đổi tại đại hội lần thứ 19 diễn ra vào cuối năm nay để bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình” thì điều này sẽ có thể nâng tầm ông Tập lên ngang hàng với nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, theo Nikkei Asian Review.
Bình luận (0)