Trung Quốc kích hoạt hải đăng phi pháp ở Trường Sa

07/04/2016 06:00 GMT+7

Trung Quốc ngang nhiên đưa vào hoạt động ngọn hải đăng phi pháp mới và vung tiền cho ngư dân xuống đóng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.

Trung Quốc ngang nhiên đưa vào hoạt động ngọn hải đăng phi pháp mới và vung tiền cho ngư dân xuống đóng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.

Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Xu Bi -  Ảnh: IfengNgọn hải đăng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Xu Bi - Ảnh: Ifeng
Ngày 6.4, Tân Hoa xã ngang nhiên khoe rằng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vừa đưa vào hoạt động ngọn hải đăng trên đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
Công trình phi pháp này cao 55 m, có đèn chiếu sáng với đường kính 4,5 m trên đỉnh và tầm hoạt động 22 hải lý. Trung Quốc bắt đầu xây hải đăng trên đá Xu Bi từ tháng 10.2015, cùng thời điểm nước này kích hoạt 2 hải đăng 50 m trên đá Gạc Ma và Châu Viên, cũng thuộc Trường Sa. Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngụy biện rằng 3 ngọn hải đăng nói trên hỗ trợ nước này “thực hiện tốt hơn những trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế trong việc tìm kiếm, cứu hộ trên biển, phòng ngừa thiên tai, bảo vệ môi trường biển”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình đã nhấn mạnh việc Trung Quốc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và đá Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp.
Ngoài ra, Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao, sĩ quan hải quân nước ngoài cảnh báo các hải đăng phi pháp nói trên nằm trong kế hoạch tinh vi của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông. Trong đó, chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak (Singapore) nói rõ nếu tàu các nước khác buộc phải sử dụng điều hướng từ những ngọn hải đăng phi pháp thì sẽ bị coi là chẳng khác nào công nhận thực tế tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông Storey còn cho rằng việc xây ngọn hải đăng phi pháp giúp Trung Quốc tạo ra cái gọi là “hiện hữu thực tế” đồng thời dần dần thay đổi hiện trạng ở khu vực.
Trong khi đó, tờ The Straits Times vừa đăng bài phóng sự về hoạt động trái phép của ngư dân Trung Quốc ở Trường Sa. Tờ này dẫn lời một số ngư dân trên đảo Hải Nam cho hay được chính quyền trợ cấp để bám riết lấy Trường Sa nhằm duy trì hiện diện phi pháp. “Chính quyền trả cho chủ tàu 180.000 nhân dân tệ (37.500 USD) để đến Nam Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Trường Sa - NV). Chúng tôi đến đó trong 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không mà chỉ muốn chúng tôi có mặt ở đó”.
Nhật điều khu trục hạm lớn qua Biển Đông
Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản vừa loan báo sẽ triển khai khu trục hạm Ise đi qua Biển Đông để tham gia cuộc tập trận đa quốc gia do Indonesia tổ chức vào ngày 12 - 16.4, theo Jiji Press. Tàu Ise dài 197 m, rộng 33 m, có độ choán nước 13.950 tấn. Tàu có sàn tương tự hàng không mẫu hạm và có thể mang theo 11 trực thăng. Đây là tàu khu trục lớn thứ 2 của MSDF chỉ sau tàu Izumo (19.500 tấn). Các chuyên gia quân sự đánh giá rất cao khả năng săn ngầm của tàu Ise nhờ hệ thống định vị thủy âm cực kỳ hiện đại. Dự kiến, tàu Ise cũng sẽ cập cảng Subic của Philippines, nơi 1 tàu ngầm và 2 khu trục hạm khác của Nhật vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.