Trung Quốc phát triển chiến đấu cơ mới cho tàu sân bay

Văn Khoa
Văn Khoa
05/07/2018 14:13 GMT+7

Nhiều nguồn tin quân sự vừa tiết lộ Trung Quốc đang phát triển chiến đấu cơ mới cho tàu sân bay sau khi loại máy bay J-15 gặp hàng loạt sự cố kỹ thuật và bị rơi.

J-15 được phát triển dựa trên chiến đấu cơ Su-33 của Nga, vốn đã được thiết kế cách đây hơn 30 năm. Với trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn, J-15 là chiến đấu cơ dành cho tàu sân bay nặng nhất trên thế giới, đang hoạt động trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Với tình trạng nói trên của J-15, chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc cần phát triển chiến đấu cơ mới khi nước này có kế hoạch tạo ra ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay nhằm phục vụ cho các tham vọng hải quân và bảo vệ những lợi ích ở nước ngoài của Bắc Kinh.
“Nhằm cải thiện tính hiệu quả tác chiến của các nhóm tàu sân bay Trung Quốc, cần phải phát triển chiến đấu cơ mới dành cho tàu sân bay”, ông Lý nhận định và cho rằng chiến đấu cơ tàng hình FC-31 của Trung Quốc có thể được dùng làm mẫu thay thế J-15. FC-31, bay thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2012, nhỏ và nhẹ hơn J-15.
Phó tư lệnh không quân Trung Quốc Trương Hồng Hà cũng tiết lộ với SCMP rằng nước này đang phát triển một loại chiến đấu cơ mới cho tàu sân bay để thay thế J-15.
Nhu cầu phát triển chiến đấu cơ mới cho hàng không mẫu hạm Trung Quốc ngày càng trở nên cấp thiết sau hàng loạt “sự cố kỹ thuật không thể bỏ qua” mà đã khiến một phi công quân đội Trung Quốc thiệt mạng và một phi công bị thương.
Hai nguồn thạo tin khẳng định với SCMP rằng có ít nhất 4 vụ rơi liên quan đến J-15, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin về 2 vụ. “J-15 là máy bay có vấn đề - hệ thống kiểm soát bay không ổn định của máy bay này là tác nhân chính của 2 sự cố chết người cách đây 2 năm”, nguồn tin khẳng định.
Phi công Trương Siêu, 29 tuổi, thiệt mạng trong một vụ rơi hồi tháng 4.2016, khi anh ta cố cứu chiếc J-15 do hệ thống kiểm soát bay của chiến đấu cơ này không hoạt động trong cuộc diễn tập hạ cánh trên tàu sân bay. Khoảng 3 tuần sau đó, phi công Tào Hiên Kiến, trong độ tuổi 40, bị thương nặng khi cố xử lý vấn đề tương tự từ J-15.
Dù được huấn luyện nhảy khỏi chiến đấu cơ trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật, các phi công quân sự Trung Quốc cũng được bảo là họ phải có nhiệm vụ “cứu máy bay quý giá”. “Các phi công không quân Trung Quốc được đào tạo là phải cứu lấy máy bay, vốn là tài sản nhà nước… nhưng điều này cần thay đổi vì mạng người là vô giá. Máy bay có thể được sản xuất lại sau khi rơi, nhưng phi công thì không thể thay thế”, một người từng phục vụ trong hải quân Trung Quốc nhấn mạnh với SCMP.
Trước đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã chiếu chương trình tuyên truyền ca ngợi hai phi công Trương và Tào vì đã cố gắng cứu chiến đấu cơ J-15 do họ lái khi máy bay rơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.