Cụ thể, phần về Trung Quốc trong NSS năm 2015 viết: “Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc ổn định, hòa bình và phồn vinh. Chúng ta theo đuổi phát triển mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Chúng ta theo đuổi hợp tác về những thách thức chung ở khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy sẽ có cạnh tranh nhưng chúng ta khước từ sự không thể tránh khỏi của đối đầu. Cùng lúc đó, chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát sự cạnh tranh từ vị thế sức mạnh trong khi đòi hỏi Trung Quốc duy trì quy tắc và chuẩn mực quốc tế trong các vấn đề từ an ninh biển đến thương mại và nhân quyền. Chúng ta sẽ theo dõi sát sao quá trình hiện đại hóa quân đội và mở rộng sự hiện diện ở châu Á của Trung Quốc, trong lúc theo đuổi các cách thức giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm hoặc tính toán sai lạc”.
Trong khi đó, NSS năm 2017 của Tổng thống Trump bao gồm những lời lẽ gay gắt và trực tiếp khi đề cập Trung Quốc ở phần “Chiến lược trong bối cảnh khu vực”. NSS lên án đích danh nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông uy hiếp dòng chảy tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm xói mòn sự ổn định trong khu vực.
Cụ thể, NSS viết: “Mặc dù Mỹ theo đuổi việc tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đang sử dụng việc mua chuộc và trừng phạt kinh tế, hoạt động gây ảnh hưởng và ám chỉ đe dọa quân sự để thuyết phục các quốc gia khác lưu ý đến nghị trình chính trị và an ninh của họ. Những sự đầu tư cơ sở hạ tầng và những chiến lược thương mại của Trung Quốc củng cố cho tham vọng địa chính trị của họ. Nỗ lực của họ trong việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông uy hiếp dòng chảy tự do của thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm xói mòn sự ổn định trong khu vực. Trung Quốc đã phát động một chiến dịch hiện đại hóa quân đội nhanh chóng được thiết kế để hạn chế sự tiếp cận của Mỹ trong khu vực và cho phép Trung Quốc tùy nghi hoạt động nhiều hơn ở đó. Trung Quốc trình bày những tham vọng của họ là mang lại lợi ích đôi bên, nhưng sự áp đảo của Trung Quốc có nguy cơ làm xói mòn chủ quyền của nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các quốc gia ở khắp khu vực đang kêu gọi về sự lãnh đạo liên tục của Mỹ trong một phản ứng tập thể nhằm duy trì trật tự khu vực với sự tôn trọng chủ quyền và độc lập”.
Chính vì những lời lẽ chỉ trích gay gắt đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã nhanh chóng đưa ra phản ứng. Trong thông báo đăng tải trên website ngày 19.12, cơ quan này cảnh báo sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ dẫn đến kết quả đôi bên cùng có lợi cho cả hai phía, còn sự đối đầu sẽ dẫn đến tổn thất cho cả hai.
“Trên cơ sở tôn trọng đôi bên, Trung Quốc sẵn lòng tồn tại hòa bình với các quốc gia khác kể cả Mỹ. Nhưng Mỹ phải thích ứng và chấp nhận sự phát triển của Trung Quốc”, thông báo viết.
tin liên quan
Mỹ chuyển sang quan điểm ‘diều hâu’ với Trung Quốc, Nga
|
Bình luận (0)