Trong nỗ lực giảm sử dụng năng lượng phát thải khí carbon, Trung Quốc đã gia tăng mạng lưới nhà máy điện hạt nhân của nước này. Khi các lò phản ứng mới ra đời, nước này cũng phải giải quyết vấn đề xử lý rác thải hạt nhân.
Theo tờ South China Morning Post ngày 23.6, Trung Quốc đang xây dựng Phòng thí nghiệm nghiên cứu ngầm Bắc Sơn tại tỉnh Cam Túc để nghiên cứu phương pháp lưu trữ lâu dài rác thải phóng xạ.
Dự án trị giá 2,7 tỉ nhân dân tệ (400 triệu USD) sẽ mất 7 năm để hoàn tất và hoạt động trong 50 năm. Phòng thí nghiệm này được xây cách mặt đất 560 m và được cho là phòng thí nghiệm ngầm lớn nhất thế giới.
Nếu nghiên cứu chứng minh địa điểm này phù hợp, một căn hầm lưu trữ rác thải hạt nhân sẽ được xây dựng liền kề đến năm 2050.
Rác thải phóng xạ cao thường là các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Cách xử lý an toàn nhất được cho là chôn sâu vĩnh viễn xuống đất.
Theo ước tính, thế giới có khoảng 250.000 tấn rác thải phóng xạ nồng độ cao và toàn bộ đều được lưu trữ tạm thời và chưa nước nào tìm ra giải pháp lưu trữ lâu dài sâu bên dưới lòng đất do sự phản đối của người dân.
Cơ sở loại này đầu tiên trên thế giới đang được xây dựng tại Phần Lan và dự kiến hoạt động từ năm 2023. Trung Quốc hiện có 3 khu chứa rác thải phóng xạ nồng độ thấp và trung bình (thường là vật liệu phóng xạ thấp tại các nhà máy điện hạt nhân và bộ phận lò phản ứng đã qua sử dụng) tại tỉnh Cam Túc, Quảng Đông và Tứ Xuyên. Nước này dự kiến xây thêm 5 khu nữa tại các tỉnh có nhà máy điện hạt nhân nhưng chưa có cơ sở xử lý rác thải hạt nhân.
Chính quyền Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng năng lực sản xuất điện hạt nhân vào năm 2025 tăng 40% so với mức cuối năm 2020. Hiện điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điện của Trung Quốc.
Bình luận (0)