Trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ: Sẽ không có gì thực sự thay đổi ở Washington

05/11/2006 22:25 GMT+7

Trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ quan trọng vào ngày 7.11, từ Washington DC, nhà báo Thomas Jandl của Washington Times đã gửi cho Thanh Niên một bài nhận định của ông về những thay đổi ở Washington, về tình hình chính trị Mỹ sau cuộc bầu cử và về một khía cạnh nào đó là ảnh hưởng của nó đến việc thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam của Mỹ, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Bush.

Các cuộc bầu cử vào ngày 7.11 gần như chắc chắn sẽ đem lại một đa số mới tại ít nhất một trong hai viện của Quốc hội lưỡng viện Mỹ. Phía đảng Cộng hòa đang đấu tranh để tồn tại ở những quận mà từ lâu vốn được coi là thành trì ủng hộ trung thành cho họ. Điều này báo trước điềm gở đối với cơ may thắng cử của họ vào ngày bầu cử. Thực sự, nay chiến lược của họ đã chuyển sang giảm thiểu thua thiệt chứ không phải là giành chiến thắng nữa.

Điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại, quan trọng nhất là đối với Việt Nam, chính sách thương mại và lập trường của Mỹ trên vấn đề trao PNTR cho Việt Nam? Có lẽ là không nhiều. Mọi việc chưa bao giờ thay đổi nhiều tại Washington. Kỳ tài của hệ thống chính trị Mỹ là tính ổn định đáng kinh ngạc của nó.

Quan trọng nhất là sự thất bại của đảng Cộng hòa không hề liên quan một chút nào đến những chính sách lợi ích trong quan hệ Việt - Mỹ. Cuộc chiến tranh tại Iraq đã bào mòn sự ủng hộ đối với đảng Cộng hòa và các vụ bê bối trở thành điển hình tại một đảng nắm quyền trong một thời gian dài, dù đó là Cộng hòa hay Dân chủ, điều này càng làm cho công chúng bất mãn.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử sẽ có tác động nào đó đối với các vấn đề liên quan đến Việt Nam. Nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi ở cả hai viện của Quốc hội, sự thay đổi đầu tiên có thể cảm nhận được là việc thay thế các chủ tịch ủy ban. Một số vị có thành kiến với Việt Nam ở Quốc hội như ông Chris Smith sẽ phải rời chức vì tiếng nói của ông đã trở nên thiếu thuyết phục. Các vị chủ tịch ủy ban này đều có thực quyền, quyền chi phối chương trình nghị sự. 

Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ đã trì hoãn việc bỏ phiếu về PNTR bởi vì vị Chủ tịch Ủy ban này, Bill Thomas, muốn cân nhắc dự luật theo thứ tự mà nó xuất hiện lần đầu tiên. Ông Thomas không phải là người muốn gây khó dễ gì với Việt Nam và là người ủng hộ PNTR, nhưng từ việc ưu ái trong hiệp định thương mại với Peru gây nhiều tranh cãi, ông Thomas không muốn bỏ phiếu cho Việt Nam. Nếu một đảng viên Dân chủ nắm giữ vị trí lãnh đạo này, có lẽ điều này sẽ thay đổi.

Nhìn chung người ta cho rằng đa số của đảng Dân chủ có thể có xu hướng thiên về cắt giảm tự do thương mại. Một trong những nhóm cử tri nòng cốt của đảng này là công đoàn, nhóm đang khuấy động phong trào chống lại việc "đưa công việc ra nước ngoài, nơi có mức lương thấp hơn nhiều so với ở nước Mỹ". Nỗi lo sợ này có thể bị thổi phồng quá mức.

Nhiều đảng viên Dân chủ ủng hộ George Bush (cha) về Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và nhiều đảng viên Cộng hòa chống lại nỗ lực của Bill Clinton mở rộng tự do thương mại ra lục địa châu Mỹ. Và hai thượng nghị sĩ trì hoãn việc bỏ phiếu về PNTR cho Việt Nam là Elizabeth Dole và Lindsey Graham đều là đảng viên Cộng hòa. Đạo luật về cá da trơn gây nhiều thiệt hại cho ngành thủy sản của Việt Nam lại do những đảng viên Cộng hòa đi đầu và được sự ủng hộ của những đảng viên Dân chủ. Cuối cùng thì nền chính trị Mỹ bị tác động bởi lợi ích nhiều hơn là hệ tư tưởng.


Cựu Tổng thống Clinton vận động tái cử cho thượng nghị sĩ Debbie Stabenow (đảng Dân chủ) tại bang Michigan

Câu hỏi thực sự là liệu có đảng nào trong hai đảng nhận thấy lợi thế trong việc thúc đẩy sớm bất cứ một đạo luật nào về tự do thương mại trong nhiệm kỳ tới hay không. Nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi ở cả lưỡng viện Quốc hội, họ có thể đơn giản là gác lại vấn đề thương mại phía sau để tránh đối đầu với các nghiệp đoàn. Tuy nhiên, Việt Nam được một số ngành công nghiệp ủng hộ và không gặp phải sự chống đối cụ thể của nhóm công đoàn nào. Hơn nữa, Việt Nam đã là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngành công nghiệp sẽ đưa ra lý lẽ là nếu không trao PNTR cho Việt Nam sẽ chỉ làm hại vị thế ngành công nghiệp Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế khác tại Việt Nam.

Nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi tại Hạ viện còn đảng Cộng hòa duy trì vị trí tại Thượng viện, luôn có khả năng xảy ra tình trạng được Washington ưa chuộng, đó là dồn tắc. Không làm được gì cả bởi vì không ai muốn tạo cho bên kia một thắng lợi nào về lập pháp. Như vậy thì lại là một điều tốt, tình hình không thể xấu hơn được so với hiện nay.

Nếu đảng Cộng hòa bằng cách thần kỳ nào đó vẫn giữ được cả lưỡng viện thì mong muốn khởi đầu một Quốc hội mới bằng những hiệp định thương mại cũng có thể bị hạn chế. Họ sẽ có nhiều vấn đề thúc bách hơn trên bàn nghị sự để tránh lặp lại thất bại trong năm 2006. Rốt cuộc thì hai năm nữa, nước Mỹ sẽ bầu một vị tổng thống mới.

Cuối cùng là nhân tố Bush. Vị tổng thống này cho đến nay chưa thể hiện lập trường thỏa hiệp. Nếu ông ta phải lãnh đạo chống lại Quốc hội thuộc phe Dân chủ, hoàn toàn có thể là ông Bush sẽ đứng vững không lùi bước và tiếp tục duy trì chính sách bảo thủ nhất của mình. Điều đó sẽ chắc chắn đưa đến những trận chiến trên các vấn đề, mà vấn đề Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi ở tầm lợi ích quốc gia của Mỹ. Nếu may mắn, Việt Nam có thể kết thúc bằng cách rời khỏi màn hình ra-đa của sự chú ý và lặng lẽ được thông qua PNTR. Suy cho cùng Việt Nam không phải là vấn đề chính sách gây tranh cãi tại Washington lúc này. Đa số nghị sĩ Quốc hội Mỹ có xu hướng tích cực đối với Việt Nam và tiến bộ trong quan hệ song phương.

Nhà sử học người Hy Lạp, Thucydides, từng nói rằng "kẻ mạnh làm điều họ có thể làm còn kẻ yếu chịu điều họ phải chịu". Thực tế là Việt Nam phải là vấn đề mang tính chi phối tại Washington trong tương lai gần. Và đó không phải là xấu. Ít có đất nước nào thích việc Mỹ tập trung tia laser sắc nhọn vào mình. Việt Nam hiểu rất rõ điều này từ chính lịch sử của mình và bây giờ Iraq cũng đang hiểu điều đó.

Là một thành viên của WTO, Việt Nam có thể tiếp tục làm điều đã làm tốt gần đây là mở rộng cánh cửa vào thị trường Mỹ, lặng lẽ thông qua các kênh ngoại giao và để cho ngành công nghiệp Mỹ biết việc không thông qua PNTR thành việc làm hại các công ty Mỹ hơn bất cứ ai khác.

Ít nhất, đối với Việt Nam cứ tiếp tục duy trì nguyên tiến trình hiện thời là những gì cần làm  để đạt được mục tiêu cuối cùng. 

Thomas Jandl (Washington Times) -  viết riêng cho Thanh Niên

(Xuân Danh dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.