Cái khó ló cái khôn
Hai nhà toán học người Anh Alan Turing và Dilly Knox đã có công lớn trong việc bẻ khóa Enigma và Lorenz, góp phần vào chiến thắng cho quân đội đồng minh trong đại chiến thế giới lần thứ hai. Nơi làm việc của họ ngày nay là viện bảo tàng Bletchley cách London (Anh Quốc) theo hướng tây bắc 80 km, cũng là nơi các chuyên gia giải mã thế hệ sau này làm việc cùng nhau.
Enigma
Enigma và bộ rô-to. |
Thật ra trong suốt thập niên 30, các chuyên gia giải mã người Ba Lan đã có tham vọng bẻ khóa hệ thống mật mã mang cái tên đúng như bản chất của nó "Enigma" (điều bí ẩn). Họ đã bí mật làm việc này trong nhiều năm nhưng chỉ đến trước khi chiến tranh nổ ra mới chuyển được những mô hình mẫu và bản vẽ miêu tả Enigma cho những đồng nghiệp tại Anh và Pháp. Vượt qua khó khăn đầu tiên, các bước tiếp theo cũng dễ dàng hơn. Nhóm chuyên gia giải mã tại Bletchley, đứng đầu là Alan Turing đã tìm ra những phương pháp giúp họ đọc được mật mã từ máy Enigma chỉ trong vài giờ sau khi thông tin được truyền qua các trạm trung gian.
Lorenz
Nếu như Enigma có khả năng thể hiện thông tin dưới dạng mật mã bằng hàng trăm triệu cách khác nhau mà vẫn bị các chuyên gia giải mã tại Bletchley chinh phục thì Lorenz lại là một thách thức khác cho tài năng của họ. Bộ Tư lệnh cấp cao Đức đã đặt hàng công ty Lorenz chế tạo cho họ một máy điện báo ghi chữ có khả năng giúp họ liên lạc qua sóng radio hoàn toàn bí mật. Loại máy mà những người thân cận với Hitler thường dùng để trao đổi thông tin là Lorenz SZ-40 và sau này là Lorenz-42.
Một điều thú vị là mặc dù phải giải mã nhiều thông tin được gửi bằng Lorenz trong suốt 2 năm rưỡi, các chuyên gia tại Bletchley cũng chẳng hề biết mặt mũi chiếc máy Lorenz ra sao. Đến khi kết thúc thế chiến thứ hai, họ mới có dịp chiêm ngưỡng nó. Cũng như Enigma, Lorenz là một chiếc máy viết thông tin dưới dạng mật mã. Nó cũng dựa trên hệ thống rô-to như Enigma. Tuy nhiên, Lorenz ra đời dựa trên nguyên tắc hoạt động của một chiếc máy ghi thông tin bằng mật mã do Gilbert Vernam chế tạo tại Mỹ năm 1918. Lorenz không dựa trên bộ 26 chữ cái và bộ mã Morse như Enigma mà dùng bộ mã Baudot với 32 biểu tượng.
Tiền đề cho những phát kiến tương lai
Cách giải mã từ thời thế chiến thế giới thứ hai đã trở nên quá lỗi thời so với những kỹ thuật hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, những gì làm được tại Bletchley là tiền đề dẫn đến những phát triển vượt bậc của thời hiện đại mà điển hình chiếc máy tính. Cứ thử so sánh kích cỡ của chiếc máy tính gọn nhẹ ngày nay với "ông tổ" của nó: chiếc máy tính Colossus với kích thước bằng cả một cái phòng thì đủ thấy con người tiến bộ tới đâu. Không lớn hơn một cái nắm tay nhưng bộ vi xử lý Pentium ngày nay có khả năng tạo ra vô số mật mã phức tạp nằm ngoài khả năng tưởng tượng của con người. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta không thể dừng lại ở đó. Hàng rào mật mã từng được tin là có thể bảo đảm an toàn cho những mạng lưới rộng lớn như hệ thống ngân hàng và mạng Internet nhiều lần bị hacker "đâm thủng".
Uyên Phi
(Theo BBC, IWM, Bletchleypark, Codesandcipher)
Bình luận (0)