Châu Âu thời... khủng hoảng - Bài 2: Giáo dục vẫn được ưu tiên hàng đầu

20/03/2009 11:42 GMT+7

Từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều tờ báo của Pháp đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thất nghiệp của thanh niên Pháp dưới 25 tuổi. Theo số liệu thống kê của tổ chức L’ Insce, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên dưới 25 tuổi trong quý 3-2008 đến nay là 18,9%; tăng gấp 2,5 lần trong vòng một năm qua…

1. Để giúp các bạn trẻ có định hướng nghề nghiệp gắn liền với thực tế của thời khủng hoảng, báo Sinh viên của Pháp tháng 2-2009 đã có hàng loạt bài viết mang tính tổng kết và tư vấn cho giới trẻ về việc lựa chọn những ngành học dễ kiếm việc làm trong thời suy thoái kinh tế.
 
Tờ báo này và nhiều báo khác có chung một nhận định: từ năm 2004 trở lại đây các ngành học về thương mại, kỹ sư thực hành, kế toán… là những ngành nghề dễ có việc làm nhất. Đặc biệt, số sinh viên tốt nghiệp thuộc các học viện kỹ thuật có tỷ lệ thất nghiệp thấp, kế đó là các sinh viên có bằng master của các trường lớn, chuyên đào tạo những nhân viên quản trị cao cấp. Còn lại hằng hà sa số sinh viên có bằng master ở các ngành học chung chung khác lại rất khó kiếm việc làm.

Chương trình đào tạo bậc đại học ở Pháp có những đặc điểm riêng và qua từng giai đoạn rất rõ ràng: Kỹ sư thực hành (3 năm) - Master (2 năm) và Doctorat (3 năm). Ở giai đoạn 1, sinh viên được đào tạo các kỹ năng cơ bản về ngành nghề, cách làm việc nhóm, thực tập…

Sau 3 năm, khi tốt nghiệp sinh viên có thể thích ứng ngay với công việc ở một công ty, một cơ sở. Nếu học tiếp Master (Thạc sĩ), sinh viên sẽ trải qua hai năm học về nghiên cứu chuyên sâu, quản lý điều hành và khi ra trường có thể làm việc ở các vị trí nhân viên cao cấp. Nếu có nhu cầu giảng dạy, đào tạo ở các trường, sau một thời gian làm việc, những người có bằng master sẽ quay lại trường học tiếp để lấy văn bằng Doctorat (Tiến sĩ)…

Tuy nhiên, bên cạnh chương trình đại học cơ bản đó, còn có từng cấp đào tạo riêng biệt cho phù hợp với nhu cầu của thực tế, ví dụ như các trường dự bị để luyện thi vào các trường đại học danh tiếng (Grand Ecole), chuyên đào tạo ra những chuyên viên quản lý cao cấp…

 
Thân thiện với cộng đồng là nét đặc trưng của học sinh Pháp
Theo giáo sư Philippe Fimbel - Giám đốc sáng tạo của một trường chuyên ngành đào tạo về lĩnh vực sáng tạo, truyền thông - ở Pháp, cánh cửa trường đại học luôn rộng mở cho tất cả các đối tượng. Tùy theo khả năng và nguyện vọng của thí sinh, các trường sẽ xem xét và tuyển sinh trên cơ sở kết quả của các năm học phổ thông. Sinh viên học ở các trường đại học công lập của Pháp đều không tốn tiền học phí. Một số trường đại học tư nhân có thu phí nhưng trường có mức học phí cao nhất như trường Kiến trúc Paris, mức học phí chỉ khoảng 5.000 euro/năm.

Ông Fimbel còn cho biết, hiện nay chương trình đào tạo của các trường đại học công lập và trường tư nhân ở Pháp đều tuân thủ theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo của Pháp, nhưng đã có nhiều chuyển đổi tùy mỗi trường và đang có sự cạnh tranh với nhau về phương pháp đào tạo. Hiện nay, bên cạnh phương pháp đào tạo kiến thức chuẩn theo phương pháp cổ điển, các trường đại học đang có sự chuyển đổi để gắn liền với thực tiễn hơn, giúp sinh viên nhanh chóng hội nhập và thích ứng với đời sống, với công việc. Tuy nhiên, khuynh hướng chuyển biến này ở các trường tư đang mạnh mẽ hơn các trường công lập.

Riêng các trường đào tạo về sáng tạo, nghệ thuật…, một trong những ngành nghề mà nhiều sinh viên Việt Nam thường theo học thì chương trình đào tạo khá nghiêm ngặt. Mặc dù đầu vào rộng mở, nhưng một khi đã được tuyển chọn vào trường thì sinh viên phải trải qua chương trình học rất nghiêm túc nếu không sẽ có nguy cơ bị đào thải.

Ở một số trường, năm thứ nhất tuyển sinh một lớp khoảng 100 sinh viên, sang năm thứ hai, thứ ba rơi rụng dần đến khi tốt nghiệp chỉ còn khoảng 1/3 và trong số những sinh viên tốt nghiệp ấy, không phải ai cũng có thể thích nghi và thích ứng được ngay với môi trường làm việc.

Kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn nhưng chi phí dành cho giáo dục của Pháp không thay đổi, trong đó có các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các nước nói tiếng Pháp. Các chương trình này luôn được giám sát và hoạt động liên tục với nhiều chương trình khá cụ thể.

Hàng năm, tổ chức Campus de France của Pháp đều tổ chức tư vấn du học rất kỹ, hướng dẫn cụ thể và có chất lượng cho sinh viên ở các nước nói tiếng Pháp từ việc làm hồ sơ tuyển sinh, giá cả sinh hoạt của từng vùng miền, địa chỉ thuê nhà, ký túc xá, quy chế làm thêm… đến số điện thoại của các tổ chức khi cần hỗ trợ. Chính vì thế, ở Việt Nam hầu như không có công ty tư nhân nào có thể cạnh tranh với Campus de France về tư vấn du học Pháp.

Tuy nhiên, giá sinh hoạt ở Pháp thuộc hàng cao nhất thế giới, đặc biệt là trong thời khủng hoảng kinh tế, đang là một trở ngại lớn. Chính vì thế, vào đầu năm 2009, giáo sư Fimbel đã sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và xúc tiến chương trình hợp tác Việt - Pháp về đào tạo trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế và truyền thông với giải pháp liên kết đào tạo tại Việt Nam và Pháp nhằm tìm lời giải cho bài toán khó là vấn đề tài chính cho rất nhiều sinh viên Việt Nam.

2. Dù vậy, với phần đông giới trẻ Pháp, con đường vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất. Trong năm học 2008 - 2009, toàn nước Pháp có 2.258.000 sinh viên, tăng hơn năm trước 4.000 sinh viên, trong số đó chỉ có khoảng 1.326.000 sinh viên theo học đại học chính quy, số còn lại đăng ký vào hệ đào tạo 2 năm ở các học viện kỹ thuật (thuộc các trường đại học), các trường dạy nghề và các trường khác.
 
Những trường này được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi tính thực tiễn, thời gian học ngắn, bằng cấp có giá trị, dễ xin việc và có thể học tiếp 3 năm sau của đại học nếu muốn. Các thành phố ở châu u phát triển đều và đồng bộ, vì thế các ngành dịch vụ rất được chuộng và phát triển. Các ngành như dịch vụ du lịch, khách sạn, thư ký, dịch vụ đô thị… được nhiều bạn trẻ Pháp theo học.

Thế nhưng, điều tạo ra sự ổn định trong văn hóa cộng đồng của các nước châu u là giới trẻ sau khi tốt nghiệp phổ thông, nền giáo dục ở trường học, gia đình và cả xã hội đã trang bị cho họ những kiến thức nền cơ bản khá tốt, đồng bộ và vững chắc, đặc biệt là các quy tắc ứng xử, kỹ năng sống, kiến thức cơ bản về xã hội, về môi trường và cộng đồng, ý thức công dân… là mấu chốt căn bản giúp họ tự chủ và tự tin khi vào đời.

Ở Lion, chúng tôi có dịp gặp gia đình của Caroline O Roubin. Năm ngoái, Caroline sang Việt Nam theo chương trình giao lưu văn hóa với trường Nguyễn Thị Minh Khai (TPHCM) và ở tại nhà tôi. 15 tuổi, nhưng Caroline từng tham gia các hoạt động xã hội và đi rất nhiều nước, trong đó có cả châu Phi, Việt Nam… Biết nói ba thứ tiếng: Tây Ban Nha, Đức và tiếng Anh, nhưng Caroline không bị áp lực phải vào đại học mà cô muốn theo đuổi ngành mình yêu thích: âm nhạc và múa.

Đến Pháp, nhiều người quen nói với tôi rằng, người Pháp rất tôn trọng tự do cá nhân và không muốn xâm phạm đến ai, nhưng nếu cần gì, hãy cứ hỏi và họ sẽ giúp đỡ hết lòng. Điều đó thể hiện rất rõ qua lối sống và cách ứng xử của các cư dân với cộng đồng trong xã hội. Trong thời gian ở đây, chúng tôi đã gặp rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn. Đó là một bạn trẻ mà tôi nhờ chỉ đường để đến ga Lion trong buổi sáng mưa lạnh ở sân bay Orly. Sau khi chỉ dẫn tận tình, dường như chưa yên tâm, cậu còn đích thân dẫn chúng tôi xuống tầng ngầm của sân bay rồi sau đó mới ngược lên đi tiếp hành trình của mình.

Ở bến metro, khi thấy chúng tôi không có vé khi máy bán vé tự động không hoạt động, một phụ nữ da đen nghèo đã sẵn lòng cho chúng tôi đi nhờ vé tháng của bà. Dù số tiền không nhiều, nhưng nếu không có nó, chắc chắn chúng tôi sẽ bị lỡ chuyến tàu.

Ở Nice, chúng tôi còn gặp rất nhiều bạn trẻ luôn có thái độ thân thiện như vậy. Trên đường lên Colline du Château, khi tôi hỏi đường một thanh niên mặc đồng phục công nhân vệ sinh của thành phố, anh ta không chỉ hướng dẫn tận tình mà còn giới thiệu với chúng tôi về thành phố của mình bằng tiếng Anh rất lưu loát xen lẫn niềm tự hào.

Vào những buổi sớm, tôi vẫn thường gặp những công nhân vệ sinh đi xe thùng để đi hốt… phân chó và không quên lời chào cùng nụ cười dễ mến thân thiện của họ. Có cảm giác như họ không hề có một chút mặc cảm về công việc của mình mà còn thấy tự hào khi mặc bộ đồng phục công nhân vệ sinh, tự hào là những người làm đẹp cho thành phố.

Nhiều du khách đến Nice trong một buổi chiều cuối tuần vẫn còn nhớ mãi nụ cười của một nhóm bạn gái trẻ. Họ đứng dàn hàng ngang trên một góc phố với tấm biển: “Cười lên đi! Bạn sẽ được ôm miễn phí!”. Và… suốt buổi chiều hôm đó, cả góc phố mùa đông đã ấm áp, rộn rã những tiếng cười. Chỉ một nụ cười thôi, bạn không mất gì cả, nhưng sức mạnh của sự chia sẻ, của mối quan hệ cộng đồng lại là một động lực mạnh mẽ, giúp bạn vượt qua bao khó khăn, giúp bạn có thêm niềm vui sống… 

Bài 1: “Vượt cạn” bằng mọi cách  

Theo Việt Hà / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.