Cuộc chiến 6 ngày ở Trung Đông

16/06/2007 21:11 GMT+7

40 năm trước đây, tại vùng Trung Đông bắt đầu cuộc chiến tranh mà sử sách gọi là "Cuộc chiến tranh 6 ngày". Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, quân đội Israel đã đè bẹp quân đội 3 nước Ả Rập và chiếm một vùng đất rộng lớn gấp 4 lần lãnh thổ của mình: Cao nguyên Golan, Dải Gaza, vùng Đông Jerusalem, Bờ Tây sông Jordani. Từ đó đến nay, các vùng đất này luôn là mối mâu thuẫn gây nên sự xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel.

Quyết định chính xác

Vào mùa hè năm 1967, tình hình tại Trung Đông cực kỳ căng thẳng: Ai Cập tăng cường sức mạnh quân sự của mình sau khi đề nghị quân đội Liên Hiệp Quốc rút quân khỏi vùng bán đảo Sinai, nơi mà họ đồn trú từ cuộc chiến tranh hồi năm 1956. Ngoài ra Ai Cập còn ký hiệp ước quân sự liên minh với hàng loạt các nước Ả Rập khác để chống Israel. 

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Naser trong các bài phát biểu của mình không hề giấu giếm ý đồ đặt dấu chấm hết đối với Israel. Các nước Ả Rập khác cũng hưởng ứng ý tưởng này. Abdel Naser cảm thấy sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Liên Xô, bởi các nhà lãnh đạo quốc gia rộng 1/6 thế giới này cũng không có thiện cảm với Israel và nhìn thấy Naser là người có thể bắt Nhà nước Do Thái đầu hàng. Chính vì thế Liên Xô không tiếc tiền của, trang bị khí tài cho Ai Cập.

Trong lúc đó tình báo Israel đã nhận thông tin về quân đội của Naser tiến vào bán đảo Sinai, áp sát biên giới Israel. Cùng lúc các nhóm vũ trang Palestine ẩn náu tại các nước Ả Rập dùng chiến thuật vượt biên giới tấn công vào người Israel.

Trong những điều kiện như thế, Israel quyết định một nước cờ chính xác: Chủ động tấn công các đối thủ tiềm năng. Chiến tranh bắt đầu và được Israel gọi là "Chiến dịch quỷ thuật".

Đánh nhanh thắng nhanh

Vào sáng sớm ngày 5.6, các máy bay chiến đấu của Israel tấn công 1 sân bay của Syria, 3 sân bay của Jordani và 11 sân bay của Ai Cập. Kết quả: Phần lớn máy bay của các nước này đang đỗ trên đường băng hay trong các hầm trú bị tiêu diệt, hàng chục phi công bị chết. Sân bay của cả 3 nước này bị tê liệt và hầu như không còn khả năng chiến đấu trong những ngày sau đó. Chỉ riêng Ai Cập trong những giờ phút đầu tiên mất hơn 300 máy bay các loại. Còn về phía Israel họ bị mất 19 máy bay mà phần lớn là do hư hỏng kỹ thuật.

Sau khi sử dụng không lực, Israel dùng bộ binh: Các xe tăng, thiết giáp của nước này tiến đến biên giới Ai Cập. Sau một ngày giao tranh ác liệt, quân Israel đánh chiếm vài cứ điểm kiên cố của đối phương và tiến sâu vào lãnh thổ Ai Cập vài chục km.

Các trận đánh diễn ra tại các vùng phụ cận của Jerusalem - nơi mà trước đó chia làm hai phần cho Israel và Jordani. Đạo quân của Israel nắm quyền kiểm soát các vị trí chiến lược quanh thành phố và tiến vào khu phố cổ. Quân Jordani đáp trả bằng cách bắn pháo tầm xa vào Tel-Aviv nhưng không mang lại hiệu quả quân sự nào.

Libanon bị tàn phá sau khi Israel tấn công vào năm 2006 - Ảnh: WPP & Wikipedia

Ngày thứ hai giao chiến tại mặt trận Sinai đã mang thêm thất bại mới cho Ai Cập. Được không quân hỗ trợ tối đa, bộ binh Israel tiến sâu vào Sinai. Lúc đó giới lãnh đạo quân đội Ai Cập hiểu rằng thất bại là điều không thể tránh khỏi và bắt đầu rút lui. Binh lính Ai Cập nhận lệnh phải vứt bỏ vũ khí hạng nặng để rút lui nhanh chóng.

Điều này gây nên sự hoảng loạn cho quân đội Ai Cập, họ tháo chạy vội vã, bị giết, bị thương và bị bắt làm tù binh rất nhiều. Đến cuối ngày này, Israel chiếm toàn bộ Dải Gaza và đẩy phần còn lại của quân đội Ai Cập đến vịnh Suez. Chiến thắng tại đây cho phép Israel điều quân đến vùng Bờ Tây và Jerusalem để giao chiến với quân Jordani. Đến chiều ngày 6.6, Israel đã chiếm thành phố Hebron và Bethlehem. Trong ngày này, quân đội Syria phản công tại cao nguyên Golan. Sau khi nã pháo dồn dập, họ tiến công vào biên giới Israel nhưng bị quân biên phòng Israel đẩy lùi. Cũng ngày này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp, Mỹ đề nghị lập lại hòa bình khẩn cấp và quân đội các nước quay về lại vị trí trước khi chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn hy vọng quân Ả Rập có thể trụ được nên phủ quyết đề nghị này.

Bước sang ngày thứ ba của cuộc chiến, Israel hầu như đánh bại quân Ai Cập ở bán đảo Sinai, chiếm thành phố cảng Sharm el-Sheikh và tiến vào vùng vịnh Suez, đường dẫn đến Cairo bị bỏ ngỏ. Trong khi đó quân đội Jordani bị đánh bật khỏi Jaricho. Sự kiện chính trong ngày này là quân đội đồn trú ở Jerusalem đầu hàng và Israel chiếm giữ Núi Thánh - nơi thiêng liêng của những người theo đạo Do Thái.

Ngày 8.6, quân đội Ai Cập thất thủ tại bán đảo Sinai, Cairo thừa nhận thất bại và chiều ngày này thỏa thuận hòa bình, chấm dứt chiến tranh giữa Ai Cập - Israel có hiệu lực. Cũng ngày 8.6, lực lượng không quân Israel tấn công tàu USS Liberty của Mỹ, làm 34 thủy thủ bị chết, 172 người bị thương. Quan hệ ngoại giao Mỹ - Israel đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Israel đưa ra lời xin lỗi chính thức, biện minh không quân của mình nhầm đó là tàu của Ai Cập.

Hậu quả nặng nề

Ngày 9.6, Tổng thống Ai Cập Abdel Naser lên ti vi thông báo về quyết định từ chức của mình. Tuy nhiên Quốc hội Ai Cập từ chối đơn từ chức của ông ta.

Đánh bại Ai Cập và Jordani, Israel tập trung vào trận chiến với Syria. Sau vài giờâ khi phía Syria chấp nhận đề nghị của Liên Hiệp Quốc về ký kết hiệp định hòa bình, máy bay Israel ném bom Damask và một số vị trí quân sự của Syria. Quân đội Israel tiến công vào cao nguyên Golan, lính Syria bỏ chạy hoảng loạn. Đường đến Damask chỉ còn 60 km, trong khi phía Syria kháng cự yếu ớt. Tuy nhiên do Israel quan ngại Liên Xô sẽ can thiệp, nên họ ngừng tấn công. Vào buổi chiều này Hiệp định hòa bình có hiệu lực và chiến tranh kết thúc.

Abdel Naser (giữa) và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev năm 1964

Israel tuyên bố có 776 binh sĩ của mình thiệt mạng trong chiến tranh. Các nước Ả Rập không công bố số liệu này, nhưng theo vài nguồn tin thì Ai Cập mất 11.500 lính, Jordani gần 6.000 và Syria gần 1.000 binh lính bị chết.

Đánh bại các nước Ả Rập, quân đội Israel được coi là một trong những đạo quân thiện chiến nhất thế giới. Liên Xô phật ý vì các đồng minh của mình thua trận nên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với nhà nước Israel.

Sau này Israel còn tiến hành giao tranh với vài nước Ả Rập mà tiêu biểu nhất là vào năm 1982 họ đánh chiếm Libanon. Lúc đó chỉ trong vòng 1 tuần, quân đội Israel tiến sâu 40 km vào lãnh thổ Libanon. Cuộc chiến năm 2006 với Hezbollah làm Israel thiệt mạng 119 người mà không đạt được kết quả như ý.

40 năm đã trôi qua kể từ khi Cuộc chiến tranh 6 ngày kết thúc, nhưng hòa bình vẫn chưa một ngày đến với Trung Đông. Các vùng lãnh thổ cao nguyên Golan, Dải Gaza, Bờ Tây mà Israel chiếm đóng vẫn luôn là nguyên nhân của các cuộc xung đột vũ trang. Cao nguyên Golan chưa được đưa ra bàn bạc với Syria, Bờ Tây và Dải Gaza luôn gây tranh cãi trong cộng đồng người Israel. Chiến tranh không thể giải quyết các bất đồng, nhưng các giải pháp khác vẫn chưa mang lại hòa bình cho Trung Đông. 

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.