Đặt chân lên sao Hỏa, cuộc đua đã bắt đầu

16/11/2006 22:22 GMT+7

Sau khi đặt chân lên Mặt Trăng, đích đến kế tiếp của nhân loại là sao Hỏa. Hành tinh đỏ hoang vu và huyền bí đang đợi dấu chân của những nhà du hành.

Từ nhiều thế kỷ qua, con người đã mơ ước chinh phục một hành tinh khác. Ước mơ cháy bỏng đó thể hiện rõ nhất trong những năm 20 của thế kỷ trước khi rất nhiều tác giả văn học viễn tưởng phác họa những chuyến phiêu lưu tới sao Hỏa. Đến kỷ nguyên bùng nổ của điện ảnh thì những chuyến đi tưởng tượng tới sao Hỏa càng được minh họa rõ nét hơn.

Trong thời gian gần đây, sau các chuyến thám hiểm không có người tới sao Hỏa, ý niệm về một chuyến đi thực sự đã được vạch ra cụ thể. Giới khoa học đã tính được thời gian cần thiết cho một chuyến bay "khứ hồi": 350 ngày đi và 350 ngày về, cộng với 20 đến 30 ngày lưu lại trên hành tinh đỏ. Việc ở trên không gian dài ngày như vậy có vượt quá sức chịu đựng của con người? Kỷ lục ở 438 ngày (từ năm 1994 tới 1995) trên trạm Mir của phi hành gia người Nga Valery Polyakov cho thấy con người đủ khả năng để kéo dài thời gian trong vũ trụ. Điều này khiến những nhà khoa học lạc quan nhận định rằng có thể bắt đầu thám hiểm sao Hỏa vào năm 2017 hoặc 2018. Tuy nhiên, những người cẩn thận hơn thì cho rằng thời gian thích hợp là khoảng từ năm 2020 tới 2030.

Vấn đề về động cơ hiện đang được Chương trình không gian Nga tính toán. Các chuyên gia tại đây cho biết họ đang có rất nhiều phương án, bao gồm phát triển tên lửa đẩy dùng nhiên liệu lỏng, tên lửa sử dụng năng lượng hạt nhân với hydrogen hóa lỏng, sử dụng các thiết bị năng lượng hạt nhân và năng lượng mặt trời. Hiện lựa chọn đang nghiêng về việc ứng dụng thiết bị năng lượng mặt trời sử dụng các tấm phim mỏng làm từ silicon không định hình. Các chuyên gia cũng dự định thực hiện các chuyến bay không người trước để xây dựng căn cứ trên sao Hỏa, phục vụ cho việc đưa người lên sau này. Thực hiện được điều đó, chuyến đi của con người trong tương lai mới đỡ "lỉnh kỉnh" hơn.

Một vấn đề quan trọng nữa là thức ăn. Phi hành đoàn sẽ sử dụng loại thức ăn đông lạnh khô không cần chế biến. Tuy nhiên, để giúp cho phi hành gia đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt trong chuyến bay dài ngày, người ta cần thêm các loại thức ăn tươi. Ý tưởng nuôi gia cầm trên phi thuyền để lấy trứng đã bị bỏ. Các cuộc thí nghiệm cho thấy gà mới nở không thể thích nghi với tình trạng không trọng lực. Cá và sò thì có thể chịu được nhưng chúng lớn quá chậm. Vì thế, giấc mơ ăn "hải sản tươi sống" và trứng của phi hành gia không thể trở thành hiện thực. Hiện giới khoa học cũng đang tính tới phương án xây nhà kính để trồng rau trên phi thuyền. Phương án này có vẻ khả thi hơn. Cũng theo tính toán, mỗi phi hành gia cần khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Điều đó có nghĩa họ phải dự trữ nhiều tấn nước cho chuyến đi, một số nước có thể sẽ được tái sử dụng.

Tâm lý và khả năng xử lý tình huống cũng là những vấn đề cần tính tới. Do khoảng cách quá xa, trung bình phải mất 20 đến 30 phút để truyền một tín hiệu bằng sóng vô tuyến từ sao Hỏa về Trái Đất và ngược lại. Điều đó có nghĩa trạm điều khiển mặt đất sẽ không có khả năng ứng cứu trong các tình huống khẩn cấp. Mọi vấn đề phải do đoàn thám hiểm tùy nghi xử lý.

Dù còn rất nhiều thách thức nhưng một số dự án thám hiểm sao Hỏa cũng đã được triển khai. Tại Nga, dự án thử nghiệm có tên Mars-500 đã bắt đầu. Trong dự án này, một tổ 6 người sẽ trải qua 520 ngày trong chuyến bay giả định tới sao Hỏa. Họ sẽ ở trong một con tàu tại căn cứ trên mặt đất và sẽ chịu đựng nhiều thử thách khắc nghiệt, tương tự một chuyến bay lên sao Hỏa thực sự. Tiếp sau Nga, Mỹ cũng sẽ triển khai chương trình thử nghiệm tương tự bắt đầu vào ngày 1.5.2007. Cơ quan không gian châu u cũng đang xây dựng kế hoạch chinh phục sao Hỏa riêng của mình. Trung Quốc cũng đã tiết lộ những kế hoạch đầy tham vọng nhằm "khám phá và khai thác sao Hỏa".

Đến đây, chắc bạn đọc sẽ thắc mắc rằng việc đưa người lên sao Hỏa có ích lợi gì mà khiến người ta đổ nhiều công sức đến vậy? Hiện giới khoa học đang nghi ngờ rằng hành tinh đỏ chứa rất nhiều khoáng sản quý. Thêm vào đó, cũng có giả thuyết rằng có sự sống tồn tại trên sao Hỏa, dù ở thể vi sinh vật. Khám phá sao Hỏa còn giúp con người hiểu thêm về sự hình thành vũ trụ. Cuối cùng, dù trên sao Hỏa chẳng có gì giá trị hết thì riêng việc đưa con người tới một hành tinh khác cũng đã là một thành tựu vô giá rồi.(RIA-Novosti)                           

C.M.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.