Donald Rumsfeld: 30 năm hóa thân của một chính trị gia Mỹ

21/02/2004 20:10 GMT+7

Trong bài trước tác giả James Mann đã thuật lại cuộc va chạm quan điểm giữa Tổng thống Nixon với người cộng sự trẻ tuổi Rumsfeld về vấn đề chiến tranh Việt Nam. Đã có lúc Nixon tỏ ý muốn sa thải anh chàng hiếu thắng "Rummy". Rốt cuộc Nixon vẫn giữ Rumsfeld lại trong chính quyền đến tận khi hết nhiệm kỳ. Lý do có lẽ là Nixon thấy ở Rumsfeld một người "đồng điệu" với ông ta nhiều điểm.

Kỳ 2: Từ Nhà Trắng đến Lầu Năm Góc

"Ông thầy" Nixon

Khác với phần lớn cộng sự của Nixon - những công chức không có tham vọng chính trị mà chỉ phục vụ bất kỳ đảng phái nào lên cầm quyền, Rumsfeld đã tham gia hoạt động trong đảng Cộng hòa từ khi còn trẻ. Ngay từ cuối những năm 50, Rumsfeld đã  là phụ tá cho một nghị sĩ, và đến năm 1962, khi ở tuổi tròn 30, trở thành dân biểu vùng Chicago. Ông ta chỉ từ bỏ cương vị này năm 1968 để tham gia vào chính quyền Nixon. Bản thân cũng là một chính trị gia lão luyện từng nếm trải những nỗi lo "thắt ruột" mỗi kỳ bầu cử "đến hẹn lại lên", Nixon đánh giá cao sự "mạo hiểm" của Rumsfeld.

Trong những năm 1971-1972, Nixon và Rumsfeld đã nhiều lần nói chuyện về tương lai sự nghiệp của người cố vấn trẻ. Nixon thích lên giọng "dạy bảo", đặc biệt là về những khu vực quan trọng trên thế giới mà Rumsfeld nên tập trung nghiên cứu. Bây giờ nhìn lại những lời "khuyên răn" đó, bên cạnh một vài dự báo sai lầm, người ta thấy cựu Tổng thống Mỹ đôi lúc có những điều tiên báo khá sáng suốt. Ví dụ như: "Thế giới này thì quan trọng nhất là Trung Quốc, Nga và châu u. Châu Mỹ Latin thì chẳng có gì phải lo. Chúng ta (nước Mỹ - TN) còn ở đây thì không ai dám động vào Mỹ Latin". Cũng tránh xa châu Phi ra, Nixon cảnh báo. Còn dính líu vào Trung Đông thì quá mạo hiểm cho một chính trị gia. "Mọi người sẽ nghĩ anh làm thế là để lấy phiếu cử tri gốc Do Thái. Và hơn nữa, anh cũng chẳng thể làm nên trò trống gì với khu vực ấy cả". Điều thú vị là với cuộc chiến tranh Iraq mà Rumsfeld vừa tiến hành, người "học trò" của Nixon đã làm ngược lại điều được căn dặn. Có vẻ như trong cả vấn đề này, những khó khăn mà Mỹ đang gặp phải trong việc lập lại hòa bình ở Iraq cũng có xu hướng khẳng định Nixon đã nói đúng!

Chật vật chức vụ đầu tiên

Trong chiến dịch tranh cử của Nixon năm 1968, Rumsfeld đã lọt vào "mắt xanh" của ứng cử viên tổng thống. Được biết Rumsfeld là người Chicago, Nixon yêu cầu Rumsfeld tổ chức một chiến dịch phản tuyên truyền tại khách sạn Hilton cùng lúc với thời điểm diễn ra đại hội đảng Dân chủ trong cùng tòa nhà. Nhiệm vụ không có gì phức tạp: chủ yếu là trả lời phóng viên ngay tại chỗ, mỗi khi các diễn giả đảng Dân chủ đả kích đảng Cộng hòa... Nhưng đến chiều và tối ngày 28.8, một cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh Việt Nam nổ ra, đoàn diễu hành tiến đến thẳng khách sạn Hilton. Cảnh sát Chicago dùng dùi cui trấn áp thẳng tay những người biểu tình. Từ trên tầng cao khách sạn, Rumsfeld quan sát tất cả và báo cáo về cho Nixon. Người phụ trách chiến dịch tranh cử của Nixon là R.Ellsworth kể lại: "Rumsfeld gọi điện về nói: bọn nó (chỉ những người biểu tình - TN) đang gãy xương kìa! Ôi Chúa ơi, ra mà xem!". Những thông tin đó chẳng có ích gì, nhưng lại làm Nixon phấn khởi. Ông ta thích những chi tiết như vậy, Ellsworth nói.

Sau khi Nixon được trúng cử, Rumsfeld hy vọng được cất nhắc vào chức vụ Chủ tịch Đảng Cộng hòa, hay một vị trí quan trọng nào đó trong chính quyền. Nhưng Chánh văn phòng Nhà Trắng Haldeman phản đối. 3 tháng sau khi Nixon nhậm chức, Rumsfeld mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Cơ quan cơ hội kinh tế  OEO, kiêm cố vấn tổng thống. Phải có thêm chức danh thứ hai này vì một trở ngại pháp lý rất lạ: Hiến pháp Mỹ cấm các dân biểu chuyển sang làm việc ở ngành hành pháp nếu lương của chức vụ mới đã được nâng lên trong nhiệm kỳ của nghị sĩ đó. Mà đây lại chính là trường hợp lương Giám đốc OEO - mới được nâng từ 30.000 USD lên 42.500 USD. Cuối cùng thì trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Rehnquist gợi ý cho Nhà Trắng một lối thoát bằng cách cho phép miễn trả lương Rumsfeld trên cương vị Giám đốc OEO, song lại trả 42.500 USD cho chân cố vấn.

"Ông bạn" Cheney

Một trong những việc làm đầu tiên của Rumsfeld khi bước vào OEO là tìm một cánh tay phải để giúp việc. Người được chọn là một thanh niên 29 tuổi, đang làm trợ lý cho một dân biểu. Tên anh ta là Richard Cheney, nay là... Phó tổng thống Mỹ, cấp trên của Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld. Nhưng duyên nợ của hai người thực ra  còn bắt đầu trước đó. Cheney đã từng đăng ký xin việc ở văn phòng của nghị sĩ Rumsfeld. Và cuộc phỏng vấn đã không gây cho "ông chủ" Rumsfeld ấn tượng gì. "Một trong những kinh nghiệm đáng buồn nhất của đời tôi", sau này Cheney nhớ lại. Cheney đành vào làm việc tại văn phòng một nghị sĩ khác, W.Steiger, cho đến một hôm tình cờ nhìn thấy một bức thư tay của Rumsfeld gửi cho ông này, nói là đang tìm người. Cheney liền tự động viết một luận văn về cách thức quản trị hành chính. Tuần sau, Steiger chuyển "công trình" đó cho Rumsfeld, và Cheney lập tức được mời làm trợ lý đặc biệt của Giám đốc OEO. Một "cặp bài trùng" hình thành, và kéo dài cho đến tận bây giờ, dù rằng thứ bậc của hai người đã đảo ngược. Rumsfeld cũng tuyển mộ F.Carlucci, một người bạn quen biết khi hai người cùng tham gia đội tuyển vật ở Trường Đại học Princeton. Cả ba người sau này đều trở thành các bộ trưởng quốc phòng, riêng Rumsfeld còn làm tới hai lần. 

Rumsfeld "xóa đói giảm nghèo"

Chức vụ Giám đốc OEO thực ra một khúc xương khó nuốt mà Nixon đẩy cho Rumsfeld. Hai người đầu tiên mà Nixon mời vào làm đã từ chối vị trí này. Bởi OEO -một cơ quan phụ trách việc xóa đói giảm nghèo, là sáng kiến của đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ Johnson, và bị đảng Cộng hòa chống đối kịch liệt. R.Reagan - một chính khách bảo thủ hàng đầu, khi còn làm thống đốc California, đã từng tìm cách cắt giảm ngân sách của OEO để làm vừa lòng giới chủ bất mãn với chính sách bênh vực nông dân nghèo của OEO. Thế nhưng, một khi nhận chức vụ này, Rumsfeld đã làm hết sức để bảo vệ vai trò của OEO, nhờ vậy được mọi người coi là loại phần tử ôn hòa, thậm chí tiến bộ trong chính quyền.
Trước đó, khi còn là nghị sĩ, Rumsfeld cũng là một trong số hiếm dân biểu Cộng hòa có quan hệ bạn bè thân mật với phe Dân chủ. Một trong những người bạn thân thiết nhất của Rumsfeld là A.K.Lowenstein - thủ lĩnh phe "bồ câu" và là người có tư tưởng khuynh tả nhất hạ viện. Rumsfeld và Lowenstein cùng làm trợ lý tại quốc hội cuối những năm 50 và có lúc hai người đã từng mơ ước mua chung một tờ nhật báo.
Tuy nhiên, Rumsfeld có thực là người cấp tiến như những gì ông ta làm vào giai đoạn những năm 70 cho thấy hay không ? Tác giả James Mann cho rằng không hoàn toàn như vậy. Theo phân tích của ông này, Rumsfeld luôn muốn nổi bật lên trong công việc của mình, mà vị trí Giám đốc OEO đòi hỏi một cách nhìn hơi "thiên tả" một chút. Việc ông ta phản đối chiến tranh Việt Nam trong chính quyền Nixon cũng có thể giải thích bằng cá tính thích "chơi trội", để tự mình khác biệt hẳn với những đồng sự xung quanh.

30/4/1975: Nhìn từ Nhà Trắng

Với tính cách của mình, đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Nixon, Rumsfeld chẳng còn được lòng ai ở Nhà Trắng nữa. Sau nhiều lần mặc cả, cuối cùng Nixon bổ nhiệm Rumsfeld làm Đại sứ Mỹ tại NATO. Nhưng chính việc bị đẩy ra khỏi trung tâm quyền lực lại là một điều may đối với Rumsfeld. Năm sau, vụ Watergate nổ ra, hàng loạt cố vấn của Nixon cũng như bản thân tổng thống phải về vườn, trong khi Rumsfeld ung dung ngồi ở Brussels. Tổng thống G.Ford lên, gọi Rumsfeld về tổ chức lại bộ máy chính quyền. Từ chỗ đứng này, ông ta chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, nước Việt Nam thống nhất.

Sự "hổ nhục" chưa từng có của nước Mỹ đã để dấu ấn mạnh mẽ trong cách thức Rumsfeld hành động ở những cương vị tiếp theo: Chánh văn phòng Nhà Trắng, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban nghiên cứu sáng kiến "lá chắn tên lửa"..., mà đặc trưng là ý muốn bảo vệ sức mạnh nước Mỹ bằng mọi giá. Sau năm 1977, Rumsfeld rút về làm doanh nghiệp, cho đến khi G.W.Bush vời lại "địch thủ" xưa kia của cha mình về làm người đứng đầu Lầu Năm Góc. Rồi sự kiện 11/9, chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq lại đưa ông già hơn 70 tuổi thành người Mỹ được nhìn thấy nhiều nhất trên màn ảnh nhỏ. Ít ai còn nhớ đến Rumsfeld đã từng mong muốn kết thúc một cuộc chiến tranh khác trước đó hơn 30 năm như thế nào.

Việt Hưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.