Hoàng gia thời nay

27/04/2006 22:36 GMT+7

Trải qua lịch sử lâu dài, không có nước nào là "miễn nhiễm" đối với những trúc trắc trong chính phủ hay hoàng gia. Và vấn đề về nền quân chủ lập hiến lại được đặt ra khi các cuộc xung đột dữ dội giữa thần dân và quốc vương ở Nepal bùng phát.

Tồn tại hay không tồn tại?

Nữ hoàng Vương quốc Anh Elizabeth II vừa bước qua tuổi 80 sau 54 năm trị vì. Ngoài những món quà sinh nhật, Nữ hoàng cũng nhận được những lời chúc mừng và tán tụng từ khắp nơi trên thế giới về vai trò của bà đối với quốc gia. Trong khi đó, ở bên kia bờ đại dương, Quốc vương Nepal Gyanendra lại bị dư luận công kích vì cách trị vì của ông. Gyanendra đã thâu tóm quyền lực của chính phủ từ cách đây 15 tháng, để rồi bị dân chúng và các đảng đối lập chống đối kịch liệt. Máu đã đổ suốt mấy tuần qua tại quốc gia trên dải Himalaya này. Vậy làm thế nào để trị vì thành công?

Các nhà sử học cho rằng, bí quyết không gì hơn là trao quyền lực cho dân chúng. Đây là bài học sinh tồn mà Hoàng gia Anh đã rút ra được từ xa xưa khi Vua Charles I bị hành hình vào năm 1649. Sau đó nhiều năm, nền quân chủ ở Anh đã trở nên gần hơn với vai trò tượng trưng và đó là cách để tồn tại trong nhiều thế kỷ qua trong khi nhiều nước khác ở châu u đã phải tạm xa nền quân chủ để thích nghi với nền cộng hòa.

Theo ông S.Subedi, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Leeds (Anh), ngày nay dân chúng không còn dùng cặp mắt ngây thơ của mình để tôn sùng hoàng gia một cách mù quáng nữa mà họ quan sát các nước khác, nhất là tình hình kinh tế, và phán xét liệu hoàng gia ở nước họ có thật sự phục vụ cho dân chúng hay không. Giáo sư Judd của Đại học Metropolitan ở London thì cho rằng: "Hoàng gia Anh cũng như giới quý tộc ở vương quốc này đã rất khéo khi nắm giữ quyền lực chỉ vừa đủ để đảm bảo những đặc quyền và địa vị của họ trong xã hội".

Ở châu Á, hiến pháp Nhật Bản được soạn thảo năm 1947 (sau Thế chiến thứ hai) phần nào giới hạn quyền hành của Nhật hoàng đã biến vai trò của ông chỉ còn là lễ nghi. Tuy nhiên, không vì thế mà sự tôn kính của dân chúng đối với vương triều Nhật lại bị giảm đi. Một hoàng gia khác ở châu Á là Thái Lan cũng có thể được coi là ví dụ điển hình được dân chúng tôn sùng, ngưỡng mộ. Quốc vương Bhumibol Adulyadej là người có thời gian trị vì lâu nhất thế giới. Đến tháng 6 này, Quốc vương Thái Lan sẽ kỷ niệm 60 năm trên ngai vàng (hơn Nữ hoàng Anh 6 năm). Trái lại, Vua Mswati III ở Swaziland (đất nước duy nhất ở châu Phi còn chế độ quân chủ) lại bị chỉ trích vì để dân chúng đói nghèo còn bản thân mình lại sống hết sức xa hoa với 13 bà vợ. Dù "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", giới phân tích cho rằng trên thế giới các nước châu u là thành công nhất trong việc đáp ứng sự mong đợi của dân chúng trong thời buổi hiện đại ngày nay.

“Con trời” và thường dân

Đã qua rồi cái thời vua chúa được xem là thần thánh hay “con trời”. Ngày nay, chuyện các bậc vương giả làm những công việc đời thường đang rất phổ biến. Xu hướng cưới vợ thường dân ngày càng nhiều cũng là một bằng chứng cho thấy quan điểm thực tế hơn của hoàng gia. Ở châu Á, thậm chí từ năm 1959, Nhật hoàng Akihito khi đó còn là thái tử cũng đã cưới một cô gái thường dân. Những cuộc hôn nhân này như một bước chuyển giúp dân chúng thích nghi dần với sự thay đổi trong hoàng gia, rằng từ đây họ sẽ còn chứng kiến những cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối nữa. Khoảng cách giữa triều đình và dân chúng như được thu hẹp dần. (Theo BBC)

Uyên Phi

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.