Không lực Indonesia tăng cường sức mạnh

09/04/2011 15:15 GMT+7

(TNTS) Quân đội Indonesia đang nỗ lực để hiện đại hóa, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về quốc phòng. Trong đó, không quân là binh chủng được đất nước ở Đông Nam Á này chú trọng nhất.

Thời kỳ gian khó

Không lực Indonesia thành lập vào năm 1946 và một thời gian dài sau đó chỉ là một binh chủng nhỏ. Vào đầu thập niên 1960, khi Đảng Cộng sản Indonesia tuy không là đảng cầm quyền, nhưng có ảnh hưởng lớn trên chính trường thì đất nước này có mối quan hệ khá tốt với Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Nhờ thế mà không lực Indonesia cải thiện đáng kể sức mạnh của mình.

 
A4-E Skyhawk - Ảnh: Wikipedia 

Vào năm 1961, Indonesia là khách hàng nước ngoài đứng thứ hai đặt mua máy bay ném bom Tu-16 của Liên Xô. Ngoài ra, nước này còn mua thêm nhiều loại như: Mig-15, Mig-17, Mig-19, Mig-21, Il-28, An-12, La-11 và trực thăng Mi-4, Mi-6. Các loại máy bay này được sử dụng cùng với Tu-2, B-25 Mitchel, A-26 Invader, P-51 Mustang và C47 Dakota. Nhờ đó mà không lực Indonesia vào năm 1965 trở thành lực lượng mạnh trong khu vực với tổng số hơn 400 máy bay các loại.

Tuy nhiên, nhanh tỏa sáng lại chóng lụi tàn. Vào năm 1966, đảo chính xảy ra tại Indonesia. Tướng Haji Muhammad Suharto lên làm tổng thống và mối quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc ngay lập tức bị đóng băng. Kết quả là quân đội không có cơ hội được trang bị thêm vũ khí, khí tài mới cũng như phụ tùng thay thế. Vào đầu thập niên 1970, không lực Indonesia thông báo chỉ có 20% máy bay của họ có thể cất cánh. Số còn lại bị hư hỏng, cần phải sửa chữa, nâng cấp.

Cũng vào thời gian này, các loại Mig-15, Mig-17, Mig-19, Mig-21 và Tu-16 bị loại khỏi không lực Indonesia. Một vài năm sau đó các loại B-25 và P-51 cũng chịu số phận tương tự. Thực tế, trong vòng chục năm, không lực Indonesia suy yếu, không có khả năng chiến đấu cao.

Tình thế dường như thay đổi, khi vào cuối những năm 1970, không lực Úc chuyển giao cho Indonesia vài chiếc tiêm kích F-86 Sabre. Ngoài ra, nước này còn mua lại của Anh vài chiếc máy bay chiến đấu - huấn luyện BAE Hawk MK.53. Đến thập niên 1980, Indonesia mua của Mỹ và Israel loại tiêm kích A-4 Skyhawk và F-5E/F Tiger II.

 
AIR Su-27SK Climbing

Vào năm 1989, Indonesia mua của Mỹ 12 chiếc F-16 Fighting Falcon. Ngoài ra, trong thập niên 1990, Indonesia còn đấu thầu để mua máy bay vận tải và tiêm kích, trong đó có cả loại F-16 và Mirage 2000. Trong giai đoạn này, không lực Indonesia dự tính mua 60 chiếc tiêm kích F-16, 24 chiếc Su-30KI và vài chiếc BAE Hawk. Nhưng do năm 1992, Mỹ và Indonesia không tiếp tục hợp tác quân sự và năm 1997 khủng hoảng kinh tế - tài chính nên kế hoạch này bị đổ bể.

Việc Mỹ và một số nước phương Tây khác cấm vận vũ khí với Indonesia bởi vì khi đó, chính quyền nước này bị cáo buộc đã sử dụng vũ lực làm chết nhiều dân thường trong giải quyết các xung đột nội bộ mà lộn xộn tại tỉnh Ache là ví dụ điển hình. Do vậy, Indonesia một lần nữa không thể mua các vũ khí mới cho quân đội của mình. Trong đó, không lực bị sa sút nghiêm trọng khi hiện nay chỉ còn 330 chiếc máy bay huấn luyện, huấn luyện - chiến đấu, chiến đấu, vận tải và trực thăng. Trong số này, theo các chuyên gia chỉ từ 150 - 260 chiếc có thể cất cánh. Số còn lại cần phải sửa chữa hay nâng cấp.

Hồi phục khó khăn

Vào năm 2005, Mỹ tháo bỏ lệnh cấm vận với Indonesia, khi Chính phủ Indonesia và lực lượng nổi dậy ở tỉnh Ache ký thỏa thuận hòa bình tại Helsinki, Phần Lan. Trong khi đó Tây u vẫn duy trì chính sách cấm vận, vì quan ngại nội chiến lại bùng phát ở Indonesia.

Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, hiện không lực Indonesia chỉ có 194 chiếc máy bay (kể cả trực thăng) có thể cất cánh. Đó là các loại F-16A, Hawk Mk.209, Mirage 2000, Su-27SK/SKM, Su-30MK/MK2, tiêm kích OV-10 Bronco, máy bay tuần tra B737MPA, CN-235MPA, tiếp xăng KC-130B, vận tải C-130B/H/L-100 Hercules, C-212 Aviocar, Casa CN-235, Fokker F-27 Friendship, Pilatus PC-6 Porter, các trực thăng đa chức năng AS332 Super Puma, Bell 412, EC725 Super Cougar và SA330 Puma. Ngoài ra, còn có máy bay huấn luyện như trực thăng EC120B Colibri và máy bay SF.260, F-16B, Hawk Mk.53, Hawk Mk.109, KT-1 Ungbi và T-34 Mentor.


 AIR SU-30MKs - Ảnh: Defensenindustrydaily

Tháng 3.2011 lãnh đạo không lực Indonesia - tướng Imam Shufaat tuyên bố, sức mạnh trên không của nước này cần phải được tăng cường trong vòng 5 năm tới, để có thể tham gia vào các sứ mệnh mang tính quốc tế của Liên Hiệp Quốc. 

Trong vòng 5 năm tới, Indonesia dự tính chi khoảng 17 tỉ USD cho không lực. 2/3 trong số này là ngân sách nhà nước, 1/3 là ngân sách của bộ quốc phòng theo phương thức vay nợ. Theo kế hoạch, sẽ mua mới các loại tiêm kích, vận tải quân sự và máy bay cứu hộ cũng như nâng cấp các loại máy bay đang hoạt động. Trong số này có 4 chiếc Su-27CK, Su-30MK thành loại CKM và MK2, 10 chiếc F-16A/B, cũng như đại tu 15 chiếc F-5E. 

Trước đó vào tháng 1.2011, hãng Arinc Engineering, Mỹ, đã ký hợp đồng với không lực Indonesia nâng cấp 5 chiếc C-130B. Những chiếc C-130B sẽ được trang bị các loại trang thiết bị mới, hiện đại và trong vòng 3 năm tới sẽ được cơ cấu lại vào quân đội. Ngoài ra, không lực Indonesia còn xem xét kế hoạch có thể mua 6 chiếc máy bay vận tải C-27J Spartan hoặc Casa CN-295. Vào ngày 21.3.2011, hãng Garuda, Indonesia đã bán cho không lực nước này 2 chiếc vận tải B737-400 dùng để chở VIP hay lính đặc nhiệm.

Hiện Indonesia đang thương thảo với Mỹ về việc nhận 24 chiếc tiêm kích F-16A/B Block 25. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ từng có ý định tặng Indonesia số máy bay này với điều kiện: Khi nâng cấp hay sửa chữa thì phải do các nhà máy của Mỹ thực hiện. Về sơ bộ phía Indonesia đã đồng ý với điều kiện vừa nêu. Ngoài ra, Indonesia còn không chính thức khi dạm hỏi mua của Anh 24 chiếc tiêm kích Eurofighter Typhoon. Nếu như Chính phủ Anh thông qua hợp đồng này, Indonesia sẽ phải chi 8,1 tỉ USD.

Cũng cần chú ý rằng, Indonesia còn muốn mua vũ khí của khách hàng truyền thống là Nga. Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo, trong vòng 20 năm tới sẽ mua 180 chiếc tiêm kích Su để bổ sung cho các loại Su mà họ đang có trong tay. Indonesia hiện có 2 chiếc Su-27CK, 3 chiếc Su-30 MK, 2 chiếc Su-27CKM và 3 chiếc Su-30MK2. Trước đó vào tháng 9.2010, Indonesia loan báo mua thêm 6 chiếc Su-30MK2. Như vậy, trong tương lai máy bay Nga sẽ chiếm vị trí chủ chốt trong không lực Indonesia. Ngoài ra, Indonesia còn hợp tác với Hàn Quốc để sản xuất loại tiêm kích 4+  KF-X. Không lực Indonesia sẽ mua 50 chiếc KF-X. 

Chưa rõ Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường không lực của mình như thế nào, nhưng từ năm 2005 đất nước này hằng năm đều tăng chi ngân sách quốc phòng. Nếu như năm 2005 ngân sách quốc phòng của Indonesia chỉ là 2,5 tỉ USD thì năm 2011 đã vào khoảng gần 4 tỉ USD. Đấy là chưa kể Indonesia có thể vay nợ nước ngoài để củng cố quốc phòng. Mới đây, vào tháng 3.2011, Nga đã đồng ý cho Indonesia vay 5,95 tỉ USD để mua sắm vũ khí.

Dù có thế nào thì cũng có thể thấy, không lực Indonesia đang được đầu tư mạnh để có những bước tiến dài.

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.