Kosovo - số phận một vùng đất

08/12/2007 14:35 GMT+7

Gần 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Kosovo lại trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi cuộc tranh cãi về quy chế cho vùng đất này đang đến hồi quyết liệt.

Chiến tranh chưa lùi xa

Cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1996 tới 1999 tại tỉnh Kosovo thuộc Serbia, lúc đó còn nằm trong Liên bang Nam Tư  (mới), là một trong những bi kịch tồi tệ nhất thế giới giai đoạn cuối thế kỷ 20. Cuộc chiến đẫm máu mà chúng ta được biết tới qua các tài liệu chính thống với tên gọi Chiến tranh Kosovo - Kosovo War - nổ ra khi lực lượng ly khai gốc Albania nổi dậy đòi tách tỉnh này ra khỏi Nam Tư. Giờ đây, vào cuối năm 2007, khi mà tranh cãi về quy chế độc lập của Kosovo đang rất căng thẳng thì người ta lại nhớ tới cuộc chiến này.

Chiến tranh Kosovo manh nha vào ngày 22.4.1996, với 4 vụ tấn công nhằm vào thường dân và lực lượng an ninh Serbia tại Kosovo. Theo Hãng tin Reuters, một lực lượng ít được biết đến lúc đó là Quân giải phóng Kosovo (KLA) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về những vụ bạo lực này. Đây được coi là hành động bạo lực đầu tiên của dân gốc Albania chủ trương ly khai sau khi chính phủ trung ương có một số chính sách mạnh tay nhằm trấn áp lực lượng ly khai. Với sự lộ diện của KLA, chính phủ Serbia nói riêng và Nam Tư nói chung đã thấy rõ kẻ thù của họ. Những vụ đụng độ lẻ tẻ bắt đầu từ đó. Tới cuối năm 1997, khủng hoảng bắt đầu leo thang sau thất bại của một số cuộc đàm phán. KLA liên tục tổ chức tấn công ở thung lũng Drenica thuộc Kosovo. Điều này khiến Robert Gelbard, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Bill Clinton ở vùng Balkans, thốt lên: “Không nghi ngờ gì nữa, KLA là nhóm khủng bố”. Có vẻ như câu nói này trái với lập trường của Mỹ nên ngay sau đó ông Gelband đã bị cách chức.

Đáp trả lại các cuộc tấn công của KLA, cảnh sát và quân đội Serbia triển khai nhiều đợt truy quét và các cuộc đụng độ sau đó đã khiến 30 dân thường cùng 4 cảnh sát Serbia thiệt mạng. Lúc này, một số nước phương Tây đã đề cập đến khả năng đưa lực lượng quốc tế vào Kosovo. Tuy nhiên, vào tháng 4.1998, Serbia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mà kết quả là người dân bác bỏ sự can thiệp của nước ngoài. Trong khi đó, KLA hoạt động ngày càng mạnh, lực lượng này chiếm phần lớn khu vực Drecani và lập được một số căn cứ. Tháng 5.1998, quân đội và cảnh sát Serbia mở chiến dịch truy quét dọc biên giới để tiêu diệt lực lượng ly khai. Chiến dịch này kéo dài trong nhiều ngày và đến lúc này thì một số lãnh đạo phương Tây bắt đầu đe dọa dùng vũ lực để “trị” Serbia. Giữa tháng 6.1998, NATO mở cuộc thao diễn mang tên Chiến dịch Chim ưng tại vùng Balkans như một hành động răn đe đối với giới lãnh đạo Serbia và Nam Tư.

Một số nỗ lực hòa giải được tiến hành nhưng không có kết quả trong khi xung đột thì không ngừng leo thang. Điều này đã dẫn tới màn tấn công của NATO vào ngày 24.3.1999. Với khoảng 1.000 máy bay chiến đấu, chủ yếu xuất phát từ các căn cứ ở Ý và từ tàu sân bay tại Địa Trung Hải, NATO đã thực hiện 38.000 vụ không kích kết hợp với tên lửa hành trình Tomahawk được bắn từ tàu chiến và tàu ngầm. Tất cả các thành viên của NATO đều tham chiến, kể cả Hy Lạp, nước ngoài mặt luôn phản đối chiến tranh. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, Không quân Đức (Luftwaffe) xuất trận.

Chống trả lại lực lượng khổng lồ của NATO là khoảng 90.000 quân Nam Tư với phương tiện chiến đấu kém hơn nhiều. Cuộc oanh kích của NATO kéo dài tới tháng 6.1999 mới chấm dứt, sau khi Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic chấp nhận việc NATO triển khai quân tại Kosovo. Xung đột coi như kết thúc, với gần 600 lính Nam Tư thiệt mạng, phía NATO chỉ tổn thất 2 người, còn số quân KLA chết không thống kê được. Gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn là dân thường. Các số liệu khác nhau cho biết số dân thường chết trong cuộc chiến này khoảng từ 8.000 tới 15.000 người. Số phải ly tán, bị thương thì nhiều vô kể. Sau gần 10 năm, khi vết thương chiến tranh vẫn chưa lành thì nguy cơ bất ổn mới lại ló dạng.

Cảnh điêu tàn trong chiến tranh Kosovo - Ảnh: Wik

Kosovo là một tỉnh được hưởng quy chế tự trị tại Cộng hòa Serbia. Từ năm 1999, vùng đất này nằm dưới sự quản lý của LHQ. Kosovo có diện tích 10.887 km2 với dân số khoảng 2,2 triệu người, trong đó 92% là dân gốc Albania, 6% là dân Serbia, đây là khu vực thuộc loại nghèo nhất châu u. Kosovo có thủ phủ là Pristina.

Nguy cơ bất ổn

Vào ngày mai (10.12.2007), các bên tham gia đàm phán về quy chế tương lai cho Kosovo sẽ phải báo cáo lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tiến độ giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thời hạn này sẽ được đáp ứng. Các cuộc đàm phán quốc tế, mới đây nhất là vào đầu tháng 12, đều kết thúc trong bế tắc, thậm chí mâu thuẫn tiếp tục gia tăng. Hiện có thể nói vấn đề Kosovo đang bị chia thành hai cực rõ rệt, một bên ủng hộ việc tỉnh Kosovo tách khỏi Serbia để trở thành một quốc gia độc lập, một bên chống lại điều này.

Bên chống trước hết phải kể đến “chủ thể” Serbia. Dù có nhiều dấu hiệu nhượng bộ gần đây, như đưa ra cam kết trao quy chế rộng rãi hơn cho Kosovo, nhưng giới lãnh đạo Cộng hòa Serbia vẫn quyết liệt phản đối việc tách Kosovo thành một quốc gia độc lập. Lập trường này của Serbia nhận được sự đồng cảm sâu sắc của một gã khổng lồ, đó là Nga. Cường quốc quân sự có diện tích rộng lớn nhất hành tinh này có nhiều mối quan hệ lịch sử với Serbia nói riêng và vùng bán đảo Balkans nói chung. Vùng đất này lại có một vị trí chiến lược, liên quan tới tầm ảnh hưởng của Nga tới Nam u và châu Phi. Vì thế, những chuyện xảy ra ở đây không nằm ngoài sự quan tâm của Nga.

Mặt khác, Nga luôn phản đối kế hoạch trao độc lập cho Kosovo còn vì giới chức Moscow sợ rằng những gì xảy ra tại Serbia có thể sẽ “lây lan” đến nước Nga. Cụ thể là một nước Kosovo độc lập có thể kích thích tư tưởng ly khai của các nước cộng hòa tự trị trong lòng Liên bang Nga. Vì thế, Nga luôn chống đối. Vào thời điểm hiện nay, sau khi Tổng thống Vladimir Putin đã lèo lái con tàu Nga vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ của thời hậu Liên Xô, mỗi tiếng nói từ nước Nga có một sức nặng đáng kể. Đó là chưa nói đến việc Nga luôn có trong tay một lá phiếu ở Hội đồng Bảo an LHQ, lá phiếu có thể ngăn chặn bất cứ việc thông qua nghị quyết nào.

Bên kia “chiến tuyến”, trước hết phải kể đến Kosovo. Vùng đất nhỏ bé này được hưởng quy chế tự trị từ năm 1945. Và cùng với dòng chảy của lịch sử, tư tưởng ly khai ngày một trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng cộng đồng Albania. Chính tư tưởng ly khai này, cùng với một số nguyên nhân khác, đã dẫn đến cuộc chiến tranh 1996-1999. Sau khi chiến tranh tạm dứt, với việc lực lượng quân sự quốc tế KFOR mà nòng cốt là NATO giữ vai trò bảo an tại đây, xu hướng ly khai vẫn không ngừng phát triển. Tháng 3.2006, sự kiện

Montenegro tách khỏi liên bang với Serbia càng kích thích giới lãnh đạo cộng đồng Albania chiếm đa số tại Kosovo đòi độc lập. Sau khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 17.11 vừa qua, thủ lĩnh chính trị Hashim Thaci, một thời là nhân vật chủ chốt của lực lượng quân sự ly khai, đã lên tiếng khẳng định sẽ “sớm tuyên bố độc lập cho Kosovo” và rằng “tiến trình độc lập của Kosovo là một hướng đi tất yếu”, theo BBC. Vào đầu tháng 12, Tổng thống Fatmir Sejdiu của Kosovo cũng khẳng định sẽ tuyên bố độc lập vào đầu năm 2008, bất chấp kết quả các cuộc đàm phán như thế nào. Đứng sau lưng kế hoạch độc lập của Kosovo hiện có nhiều thế lực lớn như Mỹ, EU và NATO. 

Sự phân cực giữa phe ủng hộ độc lập và phe chống đang ngày một lớn trong khi quy chế tương lai cho Kosovo là chủ đề dễ gây căng thẳng. LHQ cùng các bên liên quan chủ trương giải quyết bằng con đường đàm phán. Nhưng trong khi tiến trình đàm phán chẳng tiến được chút nào thì giới lãnh đạo Kosovo liên tục nhấn mạnh rằng họ có thể đơn phương tuyên bố độc lập. Chính thái độ quyết liệt này đã khiến đám mây lo ngại lan tỏa. Chính phủ Serbia gần đây đã nhiều lần tuyên bố sẽ có hành động mạnh nếu Kosovo tuyên bố độc lập bất chấp lập trường các bên. Nga cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra bất ổn trên diện rộng một khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập. Những lập trường trái ngược này đã làm cho nguy cơ bất ổn gia tăng. Dân Serbia tại Kosovo đang khăn gói chuẩn bị rời vùng đất này để tránh mọi rắc rối. Mới đây nhất, tướng Tư lệnh NATO Bantz Craddock cũng thông báo rằng lực lượng KFOR do NATO chỉ huy đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nguy cơ xảy ra bất ổn.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.