Những bí mật chưa từng công bố - Bài 2: Tình huống ngoài dự tính

11/04/2006 23:14 GMT+7

Nếu hỏa hoạn, phải nhảy khỏi con tàu Khi chuẩn bị đưa Y.Gagarin vào vũ trụ, Liên Xô soạn thảo kỹ một sơ đồ cứu nạn suốt hành trình bay, ngoại trừ 20 giây đầu tiên. Trong sơ đồ này, công đoạn xuất phát chứa đựng những nguy hiểm không thể lường trước được. Chính vì vậy mới có phương án nếu có hỏa hoạn thì Y.Gagarin phải nhảy từ tàu xuống đất. Quyết định trong trường hợp này không phải là nhà du hành mà những người chỉ huy bệ phóng và người ấn nút tên lửa.

Do khoảng cách nơi Y.Gagarin ngồi trên tàu đến mặt đất không đủ độ cao để có thể bung dù nên người ta nghĩ ra "hệ thống cứu nạn" khá đơn giản: Bốn thanh niên khỏe mạnh tay cầm tấm lưới sẽ núp ở 4 góc khuất ngay gần giàn phóng con tàu. Trong trường hợp Y.Gagarin nhảy ra thì họ sẽ giăng lưới để đỡ nhà du hành như người ta làm đối với những người nhảy trên lầu cao xuống mỗi khi có hỏa hoạn. May mắn thay là người ta đã không phải sử dụng đến "hệ thống cứu nạn" này.

Ba phương án thông tin của TASS

Không ai dám tin tưởng vào sự thành công chắc chắn của việc phóng Vostok, vì thế Hãng thông tấn quốc gia Liên Xô (TASS) đã chuẩn bị sẵn 3 phương án thông tin với công chúng. Phương án một là chuyến bay thành công tốt đẹp. Phương án hai là con tàu không lên được quỹ đạo vũ trụ và cuối cùng là trường hợp xấu nhất: Nhà du hành vũ trụ tử nạn.

- Do chưa có truyền hình vũ trụ nên trong suốt chuyến bay Bộ chỉ huy con tàu không nhìn được Y.Gagarin mà chỉ nghe được giọng nói của anh. Khối lượng băng từ ghi âm toàn bộ chuyến bay lịch sử này nặng 40 kg.

- Theo thăm dò thì đại bộ phận người Nga (85%) cho rằng chuyến bay của Y.Gagarin và các chuyến bay chinh phục vũ trụ sau này là niềm tự hào của cá nhân họ, 12% từ chối trả lời và chỉ có 3% cho rằng nước Nga phải trả giá đắt cho chương trình chạy đua vào vũ trụ này.

Nếu như trong vũ trụ động cơ hãm của con tàu không hoạt động, thì nó sẽ phải "ở lại" quỹ đạo. Đối với Vostok, trong trường hợp trục trặc như vậy, người ta tính toán như sau: Con tàu sẽ "bám vào" tầng trên cùng của tầng khí quyển, ngừng chuyển động và sẽ hạ cánh ở đâu đó trên biển hay trên mặt đất. Nhưng để làm điều này thì cần thời gian từ 7 - 10 ngày. Thực tế lúc đó Vostok mang theo lượng thức ăn và khí ô-xy dự trữ đủ cho 10 ngày.

Tiễn đưa Y.Gagarin trước giờ xuất phát, Tổng công trình sư S.Karalov nói: "Yura, đừng lo lắng. Chúng tôi sẽ tìm ra cậu bất cứ ở điểm nào khi hạ cánh. Toàn bộ lực lượng không quân Liên Xô nếu cần sẽ cất cánh. Chúng ta đã chuẩn bị sẵn các văn bản kêu gọi tất cả các nước trợ giúp tìm kiếm trong trường hợp cậu hạ cánh bên ngoài lãnh thổ Liên Xô".

Còn một mối nguy hiểm khác - là những chấn động tâm lý có thể xảy ra trong khi bay. Để kiểm soát nhà du hành vũ trụ, Bộ chỉ huy yêu cầu Y.Gagarin liên tục nói chuyện với mặt đất trong suốt cuộc hành trình. Và Y.Gagarin đã liên lạc qua sóng radio suốt 108 phút.

Những tình huống ngoài dự tính

Y.Gagarin

Chuyến bay của Y.Gagarin có nhiều tình huống mà bộ chỉ huy hoàn toàn không dự liệu. Nicolay Martiemiankov - người có nhiệm vụ đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc với Y.Gagarin - kể lại: Nhà du hành được đưa lên tàu 2 giờ trước khi xuất phát và ngay từ lúc đó đã có những trục trặc. Bộ phận tự động để đóng mở cửa sập không hoạt động, vì thế trước khi xuất phát vài phút, người ta phải dùng tay để vặn 32 chiếc bù-loong. Sau đó, hệ thống liên lạc không hiểu sao thay vì phải xuất hiện tín hiệu số "5" thì lại là số "3", điều này đồng nghĩa với việc trên tàu có hỏa hoạn. Trước đó, Y.Gagarin lại quên không mở nút kết nối liên lạc!

Khi phóng lên, trong giai đoạn 3 (tách khỏi tên lửa đẩy), con tàu xoay quá nhanh cũng như lúc hạ cánh có lúc nó lộn nhào không theo như tính toán, điều này có thể khiến nhà du hành bị chết vì sốc. Ngoài ra, thời gian tách buồng lái kéo dài có thể khiến con tàu bốc cháy. 

Cuối cùng thì con tàu cũng hạ cánh "theo như dự định". Các đội tìm kiếm sau một giờ đồng hồ đã đến được chỗ Y.Gagarin. S.Karalov mạo hiểm nhưng ông đã chiến thắng. Cả thế giới đều biết: người đầu tiên của trái đất bước vào vũ trụ là người Nga - Yuri Gagarin.

Hoàng Hoài Sơn
(Theo MK và Newsru)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.