Pinochet - nhà cựu độc tài khét tiếng

11/12/2006 15:55 GMT+7

Chủ mưu đảo chính. Giết chết hàng ngàn người. Tra tấn lan tràn. Bị cả thế giới chỉ trích. Đồng thời lại được rất nhiều người dân Chile yêu mến. Vẫn sống tỉnh bơ trước không biết bao nhiêu là nỗ lực muốn đưa ông ra tòa xét xử. Đó là nhà cựu độc tài Augusto Pinochet, một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất ở châu Mỹ La Tinh trong thế kỷ 20. Ông vừa qua đời ở tuổi 91.

Pinochet chính là người đã tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân cử Chile do nhà lãnh đạo xã hội Salvador Allende đứng đầu. Cuộc đảo chính đẫm máu cộng với những biện pháp đàn áp tàn nhẫn sau đó đã khiến cho cả thế giới bị sốc.


Augusto Pinochet (Ảnh: AP)

Quốc hội Chile phải ngưng hoạt động, mọi cuộc bầu cử đều bị cấm, hoạt động của mọi đảng phái đều bị xem là nằm ngoài vòng pháp luật. Bạo động, bắt  bớ, tra tấn diễn ra lan tràn nhằm nghiền nát mọi ý định ngoi lên của các lực lượng đối lập. Hàng ngàn người biến mất một cách bí ẩn. Tất cả đều nằm trong “bảng thành tích” của Pinochet.

Đảo chính

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại là con cả với 5 đứa em nheo nhóc, sự nghiệp của Pinochet khởi nguồn từ bà mẹ - một người phụ nữ có rất nhiều tham vọng. Chính bà đã khuyến khích Pinochet đăng ký thi vào trường sĩ quan quân sự. Với một dáng vẻ còi cọc, yếu đuối, Pinochet - lúc đó 16 tuổi - phải thi lần thứ 3 mới đậu. Đó là một sự sỉ nhục đầu đời khó phai mờ trong tâm trí Pinochet. Cả đời ông luôn bị ám ảnh bởi chuyện luyện tập để có một cơ thể cường tráng.

Tham gia quân đội vào năm 18 tuổi, Pinochet chẳng tốn nhiều thời gian để liên tục leo lên các nấc thang danh vọng. Ông đã leo lên hàng tư lệnh tại Santiagio vào thời điểm Tổng thống Allende bắt đầu đưa Chile vào con đường xã hội hóa hồi đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.

Đến tháng 6.1973, khi Allende đã cầm quyền được 3 năm, một âm mưu đảo chính đã lộ rõ. Tuy nhiên, nó đã bị đè bẹp từ trong trứng nước. Xã hội Chile lúc đó đang cực kỳ hỗn loạn với những tranh cãi chính trị liên miên, kinh tế sa sút trầm trọng và lạm phát ngày càng gia tăng với tốc độ phi mã.

Hai tháng sau đó, tức chỉ 19 ngày trước khi chết (có thể là bị giết chết), chính Allende đã bổ nhiệm Pinochet - nhân vật luôn tỏ ra trung thành, biết tuân lệnh và luôn tôn trọng luật pháp - vào vị trí quan trọng nhất: tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Lúc đó Allende đã tưởng rằng mình có thể trong cậy vào Pinochet. Đó là một sai lầm chết người của vị tổng thống cánh tả.

Pinochet mau chóng trở mặt, tuyên bố rằng hoặc Allende phải từ chức, hoặc với đối đầu với quân đội. Allende dứt khoát không chịu rời bỏ chiếc ghế tổng thống mà ông đã có được sau một kỳ bầu cử hợp pháp.


Cái chết của Pinochet gây bạo loạn khắp Chile (Ảnh : Reuters)

Khi quân đội Chile, vốn nằm dưới quyền điều khiến của tướng Pinochet, tràn vào dinh tổng thống, ông Allende đã chết! Vợ ông quả quyết rằng ông bị lực lượng nổi dậy giết chết trong khi một số nguồn tin khác thì cho rằng tổng thống đã tự sát.

Cho đến sau này, thế giới mới được biết rằng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã chi hàng triệu USD nhằm làm suy yếu chính quyền của ông Allende.

Bạo hành

Đến nay, vai trò thực sự của Pinochet trong vụ lật đổ Tổng thống Allende vẫn còn gây tranh cãi. Bản thân Pinochet  khẳng định chính mình đứng ra “đạo diễn” mọi thứ. Những người cùng tiến hành đảo chính thì lại bảo Pinochet chỉ quyết định tham gia đảo chính vào phút chót. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, ông này cũng nắm vị trí lãnh đạo trong nhóm 4 người cầm quyền ở Chile sau đó và tuyên bố mình là tổng thống vào năm 1974.

Những ngày đen tối trong lịch sử Chile bắt đầu ngay sau cuộc đảo chính. Quyền dân sự bị bãi bỏ. Các đảng phái cánh tả bị đặt ngoài vòng pháp luật, quyền hạn của các nghiệp đoàn bị giảm thiểu tối đa. Tất cả mọi quyền lực đều tập trung vào tay Pinochet!

Trong suốt nhiều năm sau cuộc đảo chính, người ta thường xuyên nhìn thấy xác của những người được cho là có cảm tình với cánh tả trôi dạt vào 2 bên bờ sông Mapocho đầy bùn nhão ở Santiago. Người ta cũng đã khai quật lên hàng loạt ngôi mộ tập thể đầy những xác chết bí ẩn.

Pinochet trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng ở Chile với một đội quân cảnh sát mật hùng hậu sẵn sàng ra tay vào bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, mãi đến năm 1991, khi các cuộc điều tra về chính sách bạo hành của Pinochet được tiến hành, các tội ác diễn ra dưới thời nhà độc tài này mới bị phơi bày một cách khá đầy đủ. Các tài liệu thống kê cho thấy khoảng 3.000 người đã bị giết chết hoặc biến mất một cách bí ẩn. Hàng chục ngàn người bị tra tấn thường xuyên và một số lượng lớn khác hoặc phải bỏ chạy hoặc bị đẩy ra nước ngoài.

Chính sách kinh tế “thoáng”

Năm 1978, Pinochet được 75% phiếu ủng hộ trong cái được gọi là một cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc. Đến 1980, một hiến pháp mới được thông qua và một năm sau đó, Pinochet tuyên thệ nhậm chức tổng thống với nhiệm kỳ đến 8 năm.

Mặc dù kiểm soát chính trường chặt chẽ nhưng Pinochet lại là người khá “thoáng” trong chính sách kinh tế. Ông cho phép áp dụng các chính sách mở cửa thị trường. Các biện pháp trợ giá và kiểm soát giá cả mau chóng bị hủy bỏ, hàng rào thuế quan được hạ thấp và một cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài được thành lập.

Chính sách kinh tế của Pinochet đã mau chóng giúp giảm tỉ lệ lạm phát, đem lại sự thịnh vượng cho các nhà kinh doanh và những người lao động lành nghề.

Tuy nhiên, đến thập niên 80, Pinochet ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tình trạng thất nghiệp tăng cao. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1981 càng làm thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong lòng những người dân bình thường. Các cuộc bạo loạn xảy ra lan tràn trên đường phố Santiago.

Níu kéo quyền lực

Trong thập niên 80, Chile trở thành một đồng minh bí mật của Anh để chống lại Argentina. Bất chấp sự phản đối gay gắt của Công đảng, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Margaret Thatcher vẫn chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sang Chile.


Pinoche cũng có rất nhiều người ủng hộ (Ảnh: Reuters)

Trong nhiều năm sau đó, Pinochet dần dà nhận được sự chấp thuận của cộng đồng quốc tế và đã có một số nhượng bộ để chấp nhận dân chủ.

Pinochet đã đồng ý tổ chức bầu cử vào tháng 10/1988, cho phép người dân có cơ hội trực tiếp bầu hoặc chống lại ông.

Ông đã thua nhưng vẫn không chịu chuyển giao quyền lực ngay mà nán lại cương vị lãnh đạo thêm 2 năm nữa.

Và ngay cả khi đã phải rời khỏi ghế tổng thống, Pinochet vẫn là nhân vật quyền hành hàng đầu với cương vị tư lệnh các lực lượng vũ trang Chile thêm 7 năm và bất chấp sự phản đối gay gắt từ các thế lực chính trị đối lập, Pinochet trở thành nghị sĩ suốt đời trong quốc hội dân chủ của Chile.

Bị bắt

Có lẽ Pinochet đã an tâm rằng quy chế nghị sĩ suốt đời - vốn đồng nghĩa với chuyện miễn tố suốt đời - sẽ cho ông sự an toàn tuyệt đối sau khi về hưu. Nhưng ông đã lầm. Dù chưa một lần bị đưa ra xét xử vì những tội danh tày đình mà ông đã phạm trong suốt những năm cầm quyền nhưng Pinochet cũng gặp không ít rắc rối.

Pinochet vẫn thường xuyên đi Anh - nơi ông có rất nhiều bạn bè và trong một chuyến đi như thế hồi năm 1998 để trị bệnh, Pinochet đã bị bắt.

Một tòa án ở Tây Ban Nha đã đòi dẫn độ ông để xét xử về các tội danh vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, giữa những tranh cãi gay gắt, chính phủ Anh quyết định quản thúc Pinochet tại gia.  Những người bạn cũ của Pinochet như bà Thatcher đã đem lại cho Pinochet đủ sự thoải mái cần thiết.

Pinochet lại một lần nữa thở phào nhẹ nhõm khi được một nhóm bác sĩ có uy tín chứng nhận rằng ông không đủ sức khỏe để ra tòa. Vậy là chính phủ Anh trả tự do và cho phép Pinochet trở về nhà.

Tháng 3/2000, sau 18 tháng sống lưu vong, nhà cựu độc tại Pinochet đã trở về quê hương của mình trong sự chào đón nồng nhiệt của những người ủng hộ, chủ yếu xuất thân từ quân đội.

Nhưng chỉ vài tuần sau đó, một tòa án ở Santiago đã tước bỏ quy  chế miễn tố của Pinochet. Các tranh cãi pháp lý xung quanh số phận nhân vật - vốn đã đầy tranh cãi này - lại bùng lên khắp nơi, cả trong và ngoài nước.

Tháng 3/2005, tòa thượng thẩm Chile ra phán quyết đảo ngược kết luận do một tòa án cấp thấp hơn đưa ra trước đó, vốn cho rằng Pinochet có thể bị truy tố vì vai trò của ông trong chiến dịch mang tên Kền Kền, chiến dịch phối hợp giữa chính phủ 6 nước Nam Mỹ để truy đuổi và ám sát các nhân vật chính trị đối lập hồi thập niên 70.

Không chỉ có đủ các rắc rối liên quan đến chính trị, Pinochet còn bị cáo buộc ăn cắp 27 triệu USD và giấu chúng trong các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Cùng với con trai, nhà cựu độc tài cũng bị chỉ trích là đã thu lợi bất chính từ việc buôn bán cocaine bất hợp pháp.

Tuy nhiên, bất chấp những cáo buộc nặng nề, những chỉ trích gay  gắt, những tranh cãi quyết liệt, cuối cùng thì nhân vật từng vung gậy sắt này cũng sẽ chẳng bao giờ phải đối mặt với tòa án. Ông đã qua đời ở tuổi 91.

Kiều Oanh (Theo BBC, Financial Times, AP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.