Số phận của một nữ đao phủ Nga trong thế chiến thứ 2

22/02/2006 23:59 GMT+7

Cuộc chạy trốn hơn 30 năm Trong nhiều năm sau chiến tranh, Ủy ban an ninh nhà nước Liên xô tiếp tục thực hiện kế hoạch truy tìm Antonina Makarova với quyết tâm bắt ả phải đền tội. Trong quá trình truy tìm, KGB đã phát hiện và xác minh tới 250 phụ nữ có tên Antonina Makarova với độ tuổi phù hợp nhưng vẫn không tìm được nữ đao phủ mà họ cần bắt. Tuy nhiên, các nhân viên KGB vẫn không chịu bỏ cuộc vì họ tin rằng Antonina Makarova sẽ không thể biến mất mãi mãi. Một số nạn nhân may mắn sống sót sau các vụ hành quyết của Makarova nói rằng luôn thấy ả xuất hiện trong các cơn ác mộng của họ và tin tưởng ả vẫn còn sống.

Thật ra, Makarova may mắn trốn chạy an toàn trong bao nhiêu năm chỉ vì các nhân viên KGB đã không truy tìm ả theo đúng tên thực là Antonina Parfenovs mà lại truy tìm theo tên thầy giáo làng năm xưa đã đặt cho ả. Tuy nhiên, "lưới trời lồng lộng", năm 1976, Antonina đã tình cờ bị phát hiện ra dấu vết trong một vụ việc rất bình thường. Trong một lần khai báo thủ tục để làm thị thực đi nước ngoài, nội dung bản khai của một quan chức Moscow có tên Viktor Ginsburg về phần vợ, ông ta đã làm các nhân viên an ninh chú ý: người vợ Ginsburg trước khi kết hôn với ông có tên là Antonina Makarova. Tuy nhiên, bà này lại sinh ra trong một gia đình có họ Parfenovs! Kết quả thẩm tra ban đầu cho thấy: Antonina Makarova kết hôn với cựu chiến binh Viktor Ginsburg năm 1945 khi hai người gặp nhau tại một bệnh viện quân đội. Sau khi chiến tranh kết thúc, cặp vợ chồng cựu chiến binh này chuyển về Lepel (Belarus), quê hương của  Ginsburg để sinh sống. Ở đây, họ đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với hai cô con gái và được kính trọng vì đây là những chiến binh đã cống hiến máu xương trong những năm chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Các nhân viên KGB đã hết sức thận trọng vì không muốn phạm phải sai lầm với những nhân vật đang được xã hội kính trọng như thế này nên đã bí mật bố trí những nạn nhân còn sống sót, một kẻ đã tham gia hành quyết các thường dân Nga cùng Makarova và một trong những tình nhân của ả trước đây đến Lepel để bí mật nhận diện. Kết quả cho thấy, tất cả những nhân chứng này đều khẳng định rằng Makarova Ginsburg chính là Antonina Makarova, nữ đao phủ tại Lokot trước đây. Đến lúc này, KGB đã chính thức bắt giữ Makarova Ginsburg vì tội giết người hàng loạt trước đây.

Đền tội

Ngay khi bị bắt, Makarova đã phản ứng quyết liệt như thể rằng đây là một sự nhầm lẫn của KGB. Người chồng Viktor Ginsburg còn dọa sẽ kiện lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vì cho rằng việc bắt giữ vợ ông là vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, sau khi Makarova thú nhận tội ác của ả thì ông đã gần như sụp đổ hoàn toàn.

Trong trại giam, Makarova không hề viết một dòng thư nào cho chồng và các con gái. Điều khiến các điều tra viên ngạc nhiên là ả không hề cho rằng mình đã phạm một tội ác khủng khiếp khi sát hại chừng ấy thường dân Xô viết. Makarova đã khai báo chi tiết từng vụ hành hình với một thái độ rất thản nhiên. Và để bào chữa cho hành vi của mình, ả cho rằng bản thân phải thực hiện hàng trăm vụ hành hình như vậy theo lệnh quân đội Đức chỉ để cứu lấy tính mạng ả! Makarova đã được giải về Lokot để phục vụ điều tra, nơi trước đây ả đã có nợ máu với hơn một nghìn đồng bào của mình. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Liên bang Xô viết đã tuyên án tử hình Makarova Ginsburg (tức Antonina Makarova) với hình thức xử bắn. Sau đó, mặc dù Makarova Ginsburg làm đơn xin tha tội chết nhưng đã bị Moscow bác bỏ. Ngày 11.8.1978, Makarova Ginsburg đã bị tử hình để đền tội cho những tội ác của ả, kết thúc cuộc đời của nữ đao phủ duy nhất trong lịch sử Thế chiến thứ 2 đồng thời là nữ tử tù đầu tiên bị thi hành án tại Liên Xô đến thời điểm bấy giờ.

Hoàng Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.