Uy lực Ka-52

14/02/2009 23:11 GMT+7

Sau thời gian dài thử nghiệm với không ít khó khăn, không quân Nga đã bổ sung loại trực thăng chiến đấu Ka-52 vào đội ngũ máy bay của mình.

Giá cả cạnh tranh

Trung tuần tháng 1 vừa qua, lãnh đạo không lực Nga - Đại tướng Aleksandr Zelyn - đã tuyên bố: Căn cứ vào kết quả thử nghiệm, Ủy ban quốc gia quyết định biên chế vào quân đội Nga hai loại trực thăng mới: Mi-28 “Người săn đêm” và Ka-52 “Cá sấu”. Trong đó chiếc Ka-52 “Cá sấu” thay thế cho chiếc Ka–50 “Cá mập đen” nổi tiếng trước đây. 

Trong khoảng thời gian này, Tổng giám đốc Yuri Denisenko của hãng Progress, đơn vị sản xuất Ka–52, cũng thông báo hiện có 3 quốc gia đã có ý đặt hàng mua “Cá sấu”. Tuy nhiên, ông Denisenko không cho biết đó là những nước nào và hứa sẽ thông báo ngay sau khi ký kết hợp đồng. Như vậy triển vọng Ka-52 sẽ xuất khẩu được là rất lớn. Bởi ngoài tính năng kỹ thuật vượt trội, nó còn có ưu thế về giá so với trực thăng cùng loại của nhiều quốc gia khác.

 
Trang bị vũ khí của Ka-52 - Ảnh: combatavia.info

Chiếc Ka-52 được hãng Kamov thiết kế dựa trên nền tảng của chiếc Ka-50. Chương trình chế tạo Ka-52 chính thức bắt đầu từ năm 1994. Cũng cần nói thêm, vào cuối thập niên 1970, Kamov bắt đầu thiết kế chiếc trực thăng chiến đấu thế hệ mới Ka-50. Đến năm 1982, lần đầu tiên Ka-50 được cho bay thử nghiệm và 4 năm sau đó Bộ Quốc phòng Liên Xô (cũ) đã chọn nó cho quân đội của mình.

Chiếc Ka-52 có 85% tính năng như Ka-50, nhưng thay vì chỉ có một người lái thì nay ca-bin được thiết kế cho ê-kíp hai người, tạo khả năng tham chiến ban đêm hiệu quả hơn, có thể liên tục liên lạc với các đài chỉ huy dưới mặt đất. Tham gia thiết kế Ka-52 còn có hãng Thomson của Pháp, chuyên cung cấp các thiết bị thông tin liên lạc và vô tuyến truyền hình. Nếu như “Cá mập đen” được sản xuất riêng cho quân đội Nga thì “Cá sấu” còn hướng tới việc xuất khẩu. Vì vậy giá bán của nó là bài toán quan trọng không chỉ đối với Nga.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Ka-52 được sản xuất với phương châm “hiệu quả - rẻ”, vì vậy nó qua mặt các đối thủ cạnh tranh khác. Một số nguồn tin cho biết, “Cá sấu” có giá 20 triệu USD, khá hấp dẫn với nhiều khách hàng.

Để so sánh, có thể lấy chiếc trực thăng Eurocopter Tiger do Đức và Pháp sản xuất làm ví dụ. Chiếc máy bay này hiện có giá từ 38 – 48 triệu USD. Hay Denel AH-2 Rooivalk của Nam Phi có giá bán 40 triệu USD/chiếc. Trên lý thuyết, chiếc trực thăng RAH-66 Comanche của Mỹ do 2 hãng Boeing Helicopters và Sikorsky Aircraft phối hợp sản xuất, có giá 13 triệu USD/chiếc vào năm 1995 là có thể cạnh tranh với Ka-52. Tuy nhiên, từ đó đến nay do sự thay đổi về trị giá của USD nên giá của RAH-66 Comanche hiện cao hơn nhiều. Mặt khác, Bộ Quốc phòng Mỹ đã không đặt hàng mua RAH-66 Comanche cho quân đội nước này, và từ tháng 2.2004, đã ngừng tài trợ cho dự án hiện đại hóa trực thăng do thám. Các loại máy bay do thám không người lái tại Iraq và Afghanistan đã đảm nhiệm nhiệm vụ này. Chương trình thiết kế, sản xuất trực thăng Comanche tiêu tốn của Lầu Năm Góc 7 tỉ USD. Cuối cùng chỉ có 2 chiếc được sản xuất và hiện chúng được trưng bày trong bảo tàng. Tuy nhiên, các công nghệ kỹ thuật mới của Comanche đã được chuyển giao để nâng cấp loại trực thăng Apache của quân đội Mỹ.

Ưu thế vượt trội

Trong khi các loại trực thăng cùng tính năng của các nước khác đều thiết kế hai chỗ ngồi thì “Cá mập đen” Ka-50 chỉ có một chỗ. Cho dù hệ thống vũ khí đều được điều khiển tự động, nhưng một chỗ ngồi chính là điểm hạn chế nhất của Ka-50. Với “Cá sấu” Ka-52, điểm hạn chế này đã được khắc phục. Hai chỗ ngồi, không chỉ tạo ưu thế trong tác chiến mà còn rất dễ dàng phục vụ cho công tác huấn luyện. Chỗ ngồi của hai phi công Ka-52 được thiết kế song song, giúp cả hai thuận tiện trong việc tiếp nhận các quyết định cũng như phối hợp hành động. Ca-bin với hệ thống thông tin, màn hình, kính chắn được thiết kế giống chiếc phản lực cơ Su–24 của Nga hay F-111 của Mỹ tạo sự ấm cúng và dễ quan sát cho ê-kíp lái.

Hiện Nga đã ngừng sản xuất Ka-50 để tập trung nguồn tài chính cho Ka-52. Điều này là hợp lý vì so với Ka-50 thì Ka-52 có những tính năng kỹ thuật vượt trội. Ngoài chức năng tiêu diệt xe tăng của đối phương khi tham gia các chiến dịch, bắn hạ các mục tiêu di chuyển chậm trên không thì “Cá sấu” còn có thể đảm nhiệm việc do thám cũng như hỗ trợ bộ binh tác chiến. Ngoài ra, Ka-52 còn có thể nâng cao hiệu quả chiến đấu khi có thể phối hợp nhóm, tạo thành “trung tâm đầu não trên không” để định vị và tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu trong các trận đánh lớn.

Vũ khí của “Cá sấu” hơn hẳn phần lớn các loại có cùng tính năng tương đương. Ka-52 có 12 tên lửa Vichr, có thể tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương từ khoảng cách 10 km và được điều khiển theo tia laser. Máy bay còn được trang bị pháo tự  động 30 ly loại 2A42, tên lửa không đối không Igla và tên lửa tự hành loại S-8.  Ka-52 hoạt động hoàn hảo cả ban ngày lẫn ban đêm không phụ thuộc vào địa hình hay thời tiết. Nó có thể vừa tập trung hỏa lực bắn chính xác vào mục tiêu, vừa di chuyển theo phương vị của đối phương, khiến đối phương khó có thể ngắm bắn vào nó. Chiếc trực thăng này tiến, nhào lộn, xoay chuyển hướng với tốc độ cao chỉ trong vài giây và “treo” mình trên không với thời gian khá lâu.

Các nhà thiết kế cũng rất quan tâm đến sinh mạng của phi công. Trên khoang lái của Ka–52 có hệ thống sơ tán khẩn cấp, đảm bảo cùng lúc có thể đảm bảo an toàn cho cả ê-kíp lái trong mọi tình huống có thể xảy ra khi tham gia tác chiến. Ngoài ra, trong ca-bin là hai chiếc ghế K-37 với hệ thống phóng và bật dù tự động để phi công thoát hiểm khi máy bay bị bắn cháy.

Việc sản xuất hàng loạt

Ka-52 được giao cho hãng Progress. Trong thời gian tới đây, Progress sẽ tiếp bước hãng Kamov gia nhập Tổ hợp vũ khí MAPO. Các nhà chuyên môn cho rằng, với một tổ hợp lớn như MAPO thì việc thu hút nguồn tài chính để sản xuất hàng loạt chiếc trực thăng hiện đại như thế này sẽ gặp nhiều thuận lợi. Giới lãnh đạo MAPO tuyên bố sản xuất Ka-52 sẽ là một trong những nhiệm vụ chính yếu, được ưu tiên hàng đầu của tổ hợp này.

Dù tiềm năng xuất khẩu của “Cá sấu” là rất lớn, nhưng hiện Nga đang ưu tiên trang bị loại trực thăng này cho quân đội của mình. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, trong vài năm tới sẽ có 100 chiếc trực thăng Mi-28 và Ka–52 được biên chế vào các binh chủng. Trong số này sẽ có 30 chiếc Ka–52 và điều này cho phép nâng cao hiệu quả của không lực Nga lên 2,5 - 3 lần.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.