Yasser Arafat - Người chiến sĩ vĩ đại

11/11/2004 23:13 GMT+7

Tổng thống Palestine Yasser Arafat - một vị lãnh tụ tài ba, người đấu tranh không ngừng cho một nhà nước Palestine độc lập - đã từ trần vào ngày 11/11/2004 tại Bệnh viện Quân y Percy (Pháp), thọ 75 tuổi.

Y.Arafat sinh ngày 24/8/1929 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cairo (Ai Cập) và được đặt tên là Muhammad. Lên 4 tuổi, mẹ ông qua đời và người chị phải cáng đáng việc nuôi em thay mẹ. Ở tuổi thanh niên, Arafat tích cực tham gia các hoạt động chống các thế lực xâm chiếm. Ông từng giúp vận chuyển vũ khí cho binh lính Palestine trong cuộc chiến năm 1948. Tại Ai Cập, ông đã hoàn thành việc học của mình. Chính tại đây, ông thành lập Liên đoàn Sinh viên Palestine, cung cấp dân quân cho mặt trận Ai Cập chống Anh, Pháp và Israel trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát kênh đào Suez năm 1956.

Thành lập Fatah

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư, Arafat bắt đầu tìm việc tại Kuwait. Nhưng sự nghiệp đấu tranh cách mạng lại hấp dẫn ông hơn bao giờ hết. Năm 1948, chính tại Kuwait, Arafat sáng lập phong trào Fatah mà sau này là một thành phần chủ lực trong Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) cũng do ông thành lập vào năm 1964. Ông làm việc cật lực để thu hút sự chú ý của dư luận đối với phong trào và số phận của những người tị nạn Palestine. Một trong những kết quả được ghi nhận sớm nhất của các nỗ lực này là việc xuất bản tạp chí Falestinuna (Nhà nước Palestine chúng ta). Để mở rộng phạm vi cũng như ảnh hưởng của phong trào, ông thành lập một văn phòng tại Algeria vào năm 1965. Kể từ đó, ông tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới Ả Rập đối với vấn đề Palestine nhưng lại không cho phép họ can thiệp vào công cuộc đấu tranh chống Israel của người Palestine. Ông tin rằng giải pháp duy nhất cho một dân tộc bị mất nước và không còn tự do là thực hiện các cuộc đấu tranh vũ trang.

Tháng 9 đen tối

Tháng 9/1970, Quốc vương Jordan Hussein đem quân tấn công vào các lều trại của người Palestine dựng tại Jordan khiến hàng ngàn người Palestine thiệt mạng. Sự kiện này được gọi là Tháng 9 đen tối. Người dân Palestine buộc phải rời khỏi Jordan đến Li-băng. Vào thời điểm này, ông Arafat được bầu làm Chủ tịch Ủy ban điều hành PLO đóng tại Li-băng. Từ năm 1978-1982, Israel luôn tiến hành các cuộc tấn công nhỏ vào Li-băng với mục tiêu chính là đuổi đội quân Arafat ra khỏi Li-băng. Năm 1982, Israel tiến công tổng lực vào Li-băng nhưng nhờ sự trợ giúp của nhiều nước, Arafat cùng lực lượng PLO nòng cốt rời khỏi Li-băng đến đóng tại Tunisia. Tháng 11/1988, Hội đồng quốc gia Palestine của PLO tuyên bố Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem. Đến năm 1989, Arafat được bầu vào chức vụ Tổng thống Nhà nước Palestine.

Đoạt giải Nobel Hòa bình

Năm 1991, Palestine bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với Israel tại Madrid (Tây Ban Nha) dưới sự bảo trợ của Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Arafat lại ủng hộ một vòng đàm phán bí mật khác tại Na Uy dẫn đến Hiệp định Hòa bình Oslo được ký kết vào năm 1993. Theo hiệp định, Israel sẽ trao cho Palestine chủ quyền tại một số nơi ở Bờ Tây và Dải Gaza. Trong khi đó, tại Nhà Trắng, Arafat và Thủ tướng Israel lúc bấy giờ Y.Rabin trao nhau cái bắt tay lịch sử. Và nhờ những nỗ lực này, cả ông Arafat và Rabin đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình trong năm 1994. Dưới sự giám sát của nhiều quan sát viên quốc tế, Arafat đã được bầu chọn đứng đầu Hội đồng dân tộc Palestine vào năm 1996, với 83% số phiếu.

Tuy nhiên, thất bại trong cuộc đàm phán giữa ông Arafat, Tổng thống Mỹ B.Clinton và Thủ tướng Israel E.Burak tại trại David năm 2000 đã làm bùng nổ cuộc nổi dậy lần 2 của người Palestine. Kể từ đó, mối quan hệ giữa ông Arafat và Chính phủ Mỹ trở nên xấu hơn. Phía Mỹ cho rằng ông Arafat cố ý dùng bạo lực để ngưng tiến trình hòa bình. Phía Israel cũng tuyên bố Arafat không thích hợp với tiến trình hòa bình và giam lỏng ông tại Ramallah (Bờ Tây) kể từ tháng 3/2002. Dù vậy, ông Arafat vẫn luôn kiên định với quyết tâm thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Tiếc thay, ông đã không còn đủ thời gian để hoàn thành ước nguyện của mình cũng như của những người dân Palestine về một dân tộc tự do, một quốc gia độc lập.

Châu Yên
(Theo Aljazeera, CNN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.