Từ việc Tổng thống Trump ban lệnh cấm nhập cảnh: Sắc lệnh hành pháp là gì?

30/01/2017 18:00 GMT+7

Ông Barack Obama rất "tằn tiện" sắc lệnh hành pháp - mệnh lệnh tổng thống có quyền đưa ra "qua mặt" cả quốc hội. Trung bình mỗi năm ông ký 35 sắc lệnh. Còn ông Trump trong tuần đầu cầm quyền đã ký ít nhất 4 sắc lệnh.

Sắc lệnh hành pháp là cụm từ được nhắc tới liên tục kể từ ngày ông Donald Trump lên cầm quyền ở Mỹ. Nó càng trở thành một từ khóa "cực nóng" trên mạng sau sắc lệnh hành pháp đầy tranh cãi của ông Trump, cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân từ 7 nước Hồi giáo. Nhưng chính xác sắc lệnh hành pháp là gì?
Đó là sắc lệnh bằng văn bản do Tổng thống Mỹ ký thông qua, ban hành cho chính quyền liên bang mà không cần cái gật đầu nhiêu khê của quốc hội. Phạm vi của nó khá rộng, có thể là giải quyết một vấn đề thông thường cho tới đảo nghịch một điều luật hiện hành. Ban hành sắc lệnh hành pháp là quyền của tổng thống được ghi rõ trong điều 2 của Hiến pháp Mỹ.
Ông Barack Obama là vị tổng thống Mỹ "tằn tiện" ban sắc lệnh hành pháp nhất trong thời hiện đại Reuters
Khi nào Tổng thống Mỹ cần đến sắc lệnh hành pháp?
Sắc lệnh hành pháp là công cụ rất hữu hiệu được các tổng thống Mỹ ban hành trong thời chiến hoặc để đảo nghịch một cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn năm 1942, Tổng thống Franklin D. Roosevelt ký sắc lệnh hành pháp thành lập các trại giam đối với 120.000 người Mỹ gốc Nhật.
Tổng thống Trump đã tỏ ra không e dè gì việc sử dụng sắc lệnh hành pháp Reuters
Tổng thống cũng có thể dùng sắc lệnh hành pháp khi quốc hội hành động quá chậm chạp hoặc khi tổng thống cảm thấy ông cần bổ sung thêm các chi tiết vào một điều luật mới.
Ông Obama đã ban hành những sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi nhất của mình để vượt qua thế bế tắc tại quốc hội do sự chống đối từ các dân biểu Cộng hòa. Hãng truyền thông BBC dẫn lại tuyên bố của ông hồi năm 2014: "Nếu họ không làm gì hết, chúng ta sẽ tự làm".
Tại sao sắc lệnh hành pháp nhạy cảm về mặt chính trị?
Sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi vì nó qua mặt quốc hội - cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân - cho phép tổng thống tự mình hành động. Sắc lệnh hành pháp vì thế - dù hợp pháp và có hiệu lực thi hành - không phải là công cụ làm cho người dân "tâm phục khẩu phục". Cũng vì thế các tổng thống Mỹ, nhất là ở thời hiện đại và giữa thời bình sẽ phải cân nhắc thật kỹ để không dùng nó tùy tiện.
Biểu tình tại Mỹ chống sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump trong việc cấm cư dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày Reuters
Đảng Cộng hòa từng kiện thành công ông Obama để đảo nghịch một phần thay đổi của ông trong chương trình y tế (Obamacare) hồi năm 2010.
Các dân biểu Cộng hòa từng chỉ trích Obama kịch liệt khi ông ký các sắc lệnh hành pháp về y tế và quyền của người đồng tính. Nhưng nay thì cũng các dân biểu Cộng hòa ca ngợi ông Trump hết lời khi ông vịn vào sắc lệnh hành pháp để cản trở Obamacare.
Ai "bội chi" sắc lệnh hành pháp?
Tổng thống Roosevelt ban hành đến 3.721 sắc lệnh hành pháp trong 12 năm cầm quyền, trong khi Tổng thống Obama chỉ ký 279 sắc lệnh trong 8 năm ông ở trong Nhà Trắng. Ông George W. Bush cũng là người "xài tằn tiện" quyền qua mặt quốc hội với 291 sắc lệnh trong 2 nhiệm kỳ.
Trong thời hiện đại, ông Obama là vị tổng thống ít vịn đến sắc lệnh hành pháp nhất: tỉ lệ 35 sắc lệnh/năm của ông là thấp nhấp kể từ thời Tổng thống Grover Cleveland hồi thế kỷ 19 với trung bình 32 sắc lệnh/năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.