Vắc xin Sinovac hiệu quả đến đâu?

12/07/2021 10:45 GMT+7

Vắc xin của hãng Sinovac giúp ngăn nhiễm Covid-19 , nhập viện và tử vong nhưng độ hiệu quả bị giảm theo thời gian và suy yếu trước biến chủng Delta.

Vắc xin của công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) là loại vắc xin Covid-19 được sử dụng nhiều nhất trên thế giới với hơn 943 triệu liều đã được phân phối, theo tờ South China Morning Post.
Dữ liệu tiêm chủng tại Chile được đăng trên chuyên san y khoa New England Journal of Medicine tuần rồi cho thấy vắc xin Sinovac hiệu quả 65,9% trong việc ngăn ngừa Covid-19, 87,5% trong việc ngăn nhập viện và 86,3% trong việc ngăn tử vong.

Sinovac, loại vắc xin Trung Quốc được tiêm nhiều nhất thế giới, hiệu quả ra sao?

Hiện nay còn thiếu các nghiên cứu về tác dụng của vắc xin đối với biến chủng Delta của virus gây Covid-19. Ông Phùng Tử Kiện, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc hồi tháng 6 nói kháng thể tạo ra từ 2 vắc xin Covid-19 của Trung Quốc ít hiệu quả đối với biến chủng Delta so với các chủng khác nhưng vắc xin này vẫn giúp bảo vệ. Ông không nói rõ tên của 2 vắc xin.
Giới chuyên gia đang yêu cầu làm rõ thêm thông tin về hiệu quả của vắc xin đối với biến chủng Delta và liệu liều tiêm thứ ba có cần để tăng cường miễn dịch.
Indonesia là một trong những nước sử dụng nhiều vắc xin Sinovac. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu độc lập LaporCovid-19, hơn 130 nhân viên y tế Indonesia đã tử vong vì Covid-19 từ tháng 6 , trong đó 58 ca trong tháng 7. Nhóm nghiên cứu không nêu rõ có bao nhiêu nạn nhân đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng khoảng 95% nhân viên y tế Indonesia đã được tiêm vắc xin.
 

Một người chuẩn bị được tiêm vắc xin Sinovac tại Jakarta, Indonesia

Reuters

Nhà dịch tễ học người Indonesia Dicky Budiman tại Đại học Griffith (Úc) cho biết nhiều nhân viên y tế dù mắc bệnh nhưng vẫn sống sót và có triệu chứng nhẹ. “Điều này giúp chủng tôi tự tin rằng vắc xin Sinovac hiệu quả ở một mức độ nào đó trong việc ngăn biến chủng mới. Đó là lý do chúng tôi khuyến cao người dân tiêm nó”, ông Budiman nói.
Ông Budiman chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến nguy cơ cho lực lượng y tế Indonesia như thiếu thiết bị bảo hộ và tình hình dịch căng thẳng, nhưng việc các nhân viên y tế tử vong có thể liên quan đến sự giảm dần tác dụng của vắc xin theo thời gian và giảm hiệu quả trước biến chủng Delta.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nghiên cứu đối với 1.053 nhân viên y tế cho thấy 3 tháng sau khi tiêm 2 liều vắc xin Sinovac, 23% số này có mức kháng thể giảm xuống dưới ngưỡng hiệu quả. Tuy nhiên, thông số đáng chú ý hơn là chỉ 2,8% nhân viên y tế được tiêm đủ liều bị bệnh và không ai phải nhập viện trong khoảng 1-3 tháng sau liều đầu tiên.

Vắc xin Covid-19 Trung Quốc có hiệu quả ra sao đối với biến thể Delta?

Giáo sư Kim Đông Nhạn tại Trường Khoa học y sinh thuộc Đại học Hồng Kông cho rằng độ hiệu quả của Sinovac chắc chắn sẽ giảm xuống đối với biến chủng Delta nhưng bao nhiêu phần trăm là chưa rõ. Ông cho rằng cần cải thiện hiệu quả vắc xin và thử nghiệm tiêm liều thứ ba cho nhóm người nguy cơ cao, hoặc tiêm trộn với các vắc xin khác.
Tổng giám đốc điều hành Sinovac Doãn Vệ Đông nói rằng kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy người tiêm liều thứ ba sau liều hai từ 3-6 tháng có mức kháng thể tăng gấp 10 lần chỉ một tuần sau khi tiêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.