Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ mới đây, tiến sĩ Anthony Fauci, nhà khoa học hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, cho biết các nghiên cứu đang được tiến hành để làm rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng có một số người tiêm đủ liều vắc xin vẫn nhiễm Covid-19, còn gọi là "ca nhiễm đột phá".
Theo AP, tiêm đủ liều vắc xin Pfizer và Moderna giúp ngăn ngừa Covid-19 đến 95% trong khi vắc xin Johnson & Johnson hiệu quả 72%. Như vậy, việc những người đã tiêm vẫn bị nhiễm bệnh là điều không bất ngờ.
Chuyên gia dịch tễ học bệnh truyền nhiễm Sten Vermund tại Trường Y tế công cộng Yale nhận xét nhiều người có nhận thức sai lầm rằng tiêm vắc xin sẽ được miễn dịch tuyệt đối.
Ông Fauci, cũng như các chuyên gia khác, cho rằng việc này là điều đã được lường trước vì đại dịch Covid-19 vẫn đang tiến triển. Vị chuyên gia nhấn mạnh các ca nhiễm này không đồng nghĩa hiệu quả của vắc xin bị giảm đi. Ngược lại, vắc xin đang giúp giảm nhẹ triệu chứng của người bị nhiễm và giúp giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong. Chuyên gia về vắc xin William Moss tại Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg cho hay hầu hết người đã tiêm vắc xin nhưng bị nhiễm Covid-19 đều chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ.
“Các vắc xin đặc biệt mạnh mẽ và hiệu lực trong việc phòng bệnh”, bác sĩ Robert Darnell tại Đại học Rockefeller tại New York nói với The Washington Post.
|
Theo số liệu của Mỹ, hơn 97% ca bệnh Covid-19 nhập viện và gần như toàn bộ người tử vong gần đây là người chưa tiêm vắc xin. Giới chức Mỹ tuyên bố Covid-19 là đại dịch của những người chưa tiêm vắc xin.
Bình luận (0)