Viễn cảnh của chủ nghĩa tư bản

Khánh An
Khánh An
05/05/2019 18:30 GMT+7

Nhiều chính trị gia và tỉ phú Mỹ đang loay hoay tìm giải pháp trước nguy cơ suy sụp hệ thống đóng vai trò nền tảng của nước này.

Trong nhiều thập niên qua, các thế hệ chính trị gia Mỹ đặt trọn niềm tin vào những doanh nghiệp hàng đầu nước này, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon. Theo tờ The Washington Post, chính trị có thể bế tắc, cử tri bức xúc và chia rẽ, nhưng họ đều luôn tin tưởng rằng giới doanh nghiệp sẽ luôn giúp đất nước thoát khỏi khó khăn. Những tập đoàn khổng lồ sản xuất chuỗi sản phẩm bất tận giúp nền kinh tế Mỹ chuyển động và duy trì GDP. Tuy nhiên, niềm tin đó giờ đây đang lung lay và lần đầu tiên trong nhiều thập niên, tương lai của chủ nghĩa tư bản bị đặt dấu hỏi.
Tờ The Guardian dẫn lời tỉ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater, thừa nhận tình trạng bất bình đẳng đang đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Ông chỉ ra các vấn đề đáng báo động trong xã hội Mỹ như 40% người dân phải chật vật lắm mới dành dụm được khoảng 400 USD đề phòng trường hợp khẩn cấp, tỷ lệ trẻ em nghèo là 17% không cải thiện trong nhiều thập niên và trong số 60% dân số thuộc nhóm khó khăn nhất, tỷ lệ tử vong sớm tăng khoảng 20% so với năm 2000.
Ngay từ năm 2012, Đại học Harvard đã thành lập môn “Suy tưởng lại về chủ nghĩa tư bản” dành cho những sinh viên được kỳ vọng trở thành thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp tương lai. Trong đó, giảng viên, khách mời và sinh viên tranh luận sôi nổi về nguy cơ sụp đổ của chủ nghĩa tư bản, xuất phát từ chính những hệ quả tự thân của nó như làm gia tăng bất bình đẳng và bức xúc trong bộ phận lớn người dân. Những ví dụ điển hình thường được đề cập là đợt đại biểu tình chiếm phố Wall trong giai đoạn 2011 - 2012 nhằm chống lại “1% dân số nắm giữ hầu hết của cải” hay phong trào Áo phản quang vàng ở Pháp. “Giờ đây 5 công ty lớn điều khiển cả nước Mỹ chứ không phải 100 công ty”, tác giả nổi tiếng Anand Giridharadas nhấn mạnh trong buổi thỉnh giảng mới đây tại Harvard.
Thậm chí, bản thân nhiều tỉ phú tại Thung lũng Silicon cũng lo ngại chủ nghĩa tư bản suy thoái vì sự phát triển công nghệ. Theo tờ The Seattle Times, chính cuộc cách mạng thời đại số dẫn đến sự ra đời của hãng công nghệ đồ sộ mà không cần nhà máy tạo công ăn việc làm hay lực lượng lao động hùng hậu như trong thời đại công nghiệp trước đó. Rô bốt thay thế công việc trong nhà máy, thương mại điện tử đang lấn lướt mảng bán lẻ và xe tự lái đang sắp giành hết việc của tài xế. Kết quả là ngày càng nhiều của cải tập trung vào tay một số ít người.
Ông Greg Brockman, Chủ tịch Công ty công nghệ OpenAI được nhiều tỉ phú Mỹ đầu tư, cho rằng khủng hoảng ngày càng trầm trọng khi máy móc có thể thay thế cả lao động trí óc, chẳng hạn như rô bốt có thể chẩn đoán một số bệnh chính xác hơn bác sĩ. Vì thế, dần dần tình trạng thiếu việc làm sẽ kéo theo gánh nặng phúc lợi ngày càng khổng lồ, thậm chí chính phủ phải “phát không” cho người dân khoản tiền hằng tháng để có thể trang trải cuộc sống. Tương tự, tỉ phú Chris Larsen, Chủ tịch Công ty phát hành tiền ảo Ripple, cho rằng hướng phát triển của Thung lũng Silicon cũng như chủ nghĩa tư bản hiện đang mất ổn định vì của cải tiếp tục đổ dồn về khu vực này khiến bức xúc xã hội ngày càng nghiêm trọng và “phá vỡ hệ thống tư bản chủ nghĩa”.
Mối lo ngại chủ nghĩa tư bản sụp đổ là một trong những chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020 của thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders, người luôn chỉ trích “một vài tỉ phú điều khiển đời sống kinh tế và chính trị của quốc gia”. Bên cạnh đó, hạ nghị sĩ Rohit Khanna đồng ý làm chủ tịch ủy ban tranh cử của ông Sanders vì cả hai có cùng quan điểm về giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng để cứu vãn chủ nghĩa tư bản.
Ông Khanna luôn kêu gọi giới lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn “dành 90% thời gian cho công việc và 10% suy nghĩ về cống hiến cho quốc gia”. Ông liên tục cùng các lãnh đạo doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon đến những địa phương nhỏ còn khó khăn ở Mỹ để trao học bổng và trang thiết bị phát triển giáo dục về công nghệ, theo The Washington Post. Ông dự định kêu gọi đóng góp 100 triệu USD xây 50 viện công nghệ đào tạo lao động ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, bản thân hạ nghị sĩ này thừa nhận đây chỉ là “giải pháp không hoàn hảo cho một vấn đề gần như không có lời giải”. Trong khi đó, một ứng viên tổng thống khác, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren thậm chí lo ngại đến mức kêu gọi giải thể các hãng công nghệ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa tư bản sụp đổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.