Viễn cảnh quân đội Mỹ 'làm khó' ông Trump

23/07/2016 07:00 GMT+7

Khả năng ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đang khiến không ít người lo sợ.

Trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng Cộng hòa cho vị trí ứng viên chính thức trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11, tỉ phú Donald Trump ngày 21.7 đã dõng dạc đưa ra lời hứa hẹn sẽ “xây dựng lại hoàn toàn quân đội Mỹ đang trong tình trạng bị rút cạn sức lực”, và hết lòng quan tâm chăm sóc các cựu chiến binh.
Ông cũng tuyên bố rằng với vai trò tổng tư lệnh quân đội, ông sẽ chấm dứt “sự nhục nhã trên trường quốc tế” mà Lầu Năm Góc phải đối mặt dưới quyền của tổng thống Dân chủ là ông Barack Obama. “Di sản của Hillary Clinton không nhất thiết phải trở thành di sản của Mỹ... Những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt - nghèo túng và bạo lực trong nước, chiến tranh và tàn phá ở nước ngoài - chỉ kéo dài khi chúng ta tiếp tục dựa dẫm vào những chính khách đã gây nên tình trạng đó. Cần phải thay đổi người dẫn dắt đất nước để thay đổi những hậu quả đó”, theo Reuters dẫn lời ông Trump.
Tuy nhiên, bất chấp những cam kết tái kiến thiết quân đội, việc ông Trump chính thức được đề cử đã xới lại cuộc tranh luận về quan hệ giữa quân đội và một tổng thống dân cử ở nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngòi nổ chực chờ
Tờ Los Angeles Times ngày 20.7 đã nêu ra viễn cảnh quân đội buộc phải cướp chính quyền để ngăn chặn ông Trump gây nguy hiểm cho nước Mỹ một khi trở thành tổng thống. Trong bài báo có nhan đề If Trump wins, a coup isn't impossible here in the U.S, (tạm dịch: Nếu Trump thắng, một cuộc đảo chính ở Mỹ không phải là không thể xảy ra), tác giả James Kirchick, nghiên cứu sinh của Viện Chính sách đối ngoại, đánh giá ứng viên Trump là “nhân vật độc tài và trơ trẽn nhất” từng giành được quyền đề cử của một chính đảng then chốt tại Mỹ.
Nhà báo này cũng nhắc lại phát biểu của cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Michael Hayden cách đây nửa năm về phản ứng của quân đội trước một mệnh lệnh phi pháp. Trước câu hỏi của người dẫn chương trình truyền hình Bill Maher về chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump yêu cầu lính Mỹ giết hại gia đình của những kẻ khủng bố, như ông này từng hứa hẹn trước đó, viên tướng không quân về hưu đã trả lời: “Nếu ông ta ra lệnh như thế khi nắm chính quyền, các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ từ chối thi hành... Lính Mỹ không cần phải tuân theo một mệnh lệnh phi pháp. Mệnh lệnh kiểu này sẽ vi phạm mọi điều luật của quốc tế khi nổ ra xung đột vũ trang”.
Ông Kirchick cũng vẽ ra kịch bản Trump đối đầu và cương quyết không khuất phục trước quân đội sau khi đưa ra một mệnh lệnh gây nguy hiểm cho tính mạng người Mỹ, an ninh của đất nước, và viết rằng: “Trong trường hợp đó, những nam và nữ quân nhân, vốn thề trung thành với Hiến pháp và hệ thống chỉ huy dân sự, sẽ buộc phải chọn hoặc tuân thủ luật lệ hoặc phục vụ ý muốn của một người vốn công khai bày tỏ sự thiếu tôn trọng đối với luật lệ. Và họ có thể sẽ chọn điều đầu tiên”.
Kết quả cuộc khảo sát do Đài CNN, thực hiện ngay sau khi ông Donald Trump hoàn thành bài phát biểu dài 75 phút tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, cho thấy 57% số người xem đài “có phản ứng vô cùng tích cực” trước màn thể hiện của nhà tỉ phú, trong khi 18% “hơi tích cực”.
Trong lịch sử Mỹ, trước đây từng xảy ra bất đồng giữa giới lãnh đạo dân sự và quân sự. Vào thời tổng thống thứ 33 Harry Truman (nhiệm kỳ 1945 - 1953), tổng tư lệnh quân đội đã cách chức tư lệnh của Thống tướng Douglas MacArthur sau khi vị tướng này công khai chỉ trích ông Truman vì đã phủ quyết đề xuất ném bom Trung Quốc trong thời gian nổ ra Chiến tranh Triều Tiên. Dù tướng MacArthur trở về Mỹ trong tư thế người hùng, quyết định của Tổng thống Truman được xem là một trong những thời khắc quan trọng nhất của lịch sử quan hệ dân sự - quân sự Mỹ. Theo đánh giá của ông Kirchick, ông Trump có thể trở thành một “phiên bản ngược” của Tổng thống Truman, tức sa thải các viên tướng dám khước từ mệnh lệnh ném bom. “Cử tri Mỹ buộc phải cản đường ông ta trước khi quân đội ra tay”, ông Kirchick kết luận.
Phản ứng dữ dội
Mặc dù ông Trump bị không ít người căm ghét, nhưng bài báo của tờ The Los Angeles Times đã gây ra phản ứng dữ dội từ các độc giả Mỹ khi đụng đến những nguyên tắc cốt lõi của nền cộng hòa. Đa số trong hàng trăm bình luận dưới bài báo đều lên án gợi ý “phản dân chủ” và “lố bịch” của tác giả và cho rằng đó là đề xuất hoang tưởng. Có người còn quy kết ông Kirchick là tay sai của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Trong bài báo phản ứng trên tờ The National Interest, tác giả Daniel R.DePetris cho rằng ông Kirchick đã bỏ qua nguyên tắc “kiểm soát và đối trọng” khi vẽ nên kịch bản một tổng thống Trump “một tay che cả bầu trời”. “Nhờ một văn bản nhỏ bé có tên gọi Hiến pháp Mỹ, các nhánh lập pháp và tư pháp cũng có nhiều quyền lực (theo cách của họ) như nhánh hành pháp. Tổng thống Mỹ là vị trí quyền lực nhất trong thế giới tự do, nhưng không quá quyền lực đến nỗi một người đàn ông (hoặc phụ nữ) có thể điều hành đất nước theo kiểu chà đạp ý chí người dân hoặc hai nhánh khác trong nhà nước”, ông DePetris viết.
Trong khi đó, một độc giả của tờ The Los Angeles Times mỉa mai: “Gợi ý một cuộc đảo chính chống lại tổng thống dân cử? Tôi hy vọng mật vụ mà các cơ quan liên bang khác sẽ đưa ông bạn vào danh sách theo dõi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.