Việt Nam chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác tại G20

28/06/2019 06:30 GMT+7

Chiều qua (27.6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã đến thành phố Osaka, bắt đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản từ ngày 27.6 đến 1.7.

Đón Thủ tướng và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Kansai có Thứ trưởng, Nghị sĩ, Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kiyoto Tsuji; Cục trưởng Lễ tân, Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kiminori Iwama, cùng lãnh đạo tỉnh Osaka. Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam; Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Vũ Tuấn Hải và đại diện cộng đồng người Việt tại Osaka. Tối cùng ngày, Thủ tướng đã dự tiệc tiếp tân chào mừng do Thống đốc tỉnh Osaka và Thị trưởng thành phố Osaka chủ trì.
Hội nghị G20 năm nay có các nội dung thảo luận chính là kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư, đổi mới sáng tạo và kinh tế số, môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế. Nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam dự hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20. Theo chương trình, bên cạnh việc tham dự các phiên thảo luận, Thủ tướng sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với Thủ tướng Canada, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Úc, Tổng thống Chile. Thủ tướng cũng dự kiến gặp Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.
Trong hôm qua, Thủ tướng đã trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản với nhiều nội dung quan trọng. Thủ tướng cho biết việc Việt Nam tham dự hội nghị khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của một Việt Nam đổi mới và hội nhập; một đối tác tin cậy và có trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và phát triển trong khu vực, qua đó tin tưởng, kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề kinh tế toàn cầu. Đây cũng là minh chứng cho quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, cùng chia sẻ, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang đóng góp tích cực và thực chất vào nội dung nghị sự của G20. Tại hội nghị này, từ thực tiễn phát triển của một quốc gia đang vươn lên và hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ chia sẻ với bạn bè quốc tế tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực trong góp phần xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu với mong muốn chung tay cùng cộng đồng quốc tế vì một hành tinh xanh, một thế giới hòa bình, cùng phát triển thịnh vượng và không có ai bị bỏ lại phía sau.
Về quan hệ Việt - Nhật, Thủ tướng cho biết quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hai nước đang phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Nhật đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Thủ tướng tin tưởng sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước sẽ ngày càng bền chặt, sâu sắc.
Về Biển Đông, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển. Đồng thời, Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan tiếp tục đàm phán, phân định biển, xử lý thỏa đáng các vấn đề, kiểm soát tốt bất đồng, không làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông, nỗ lực cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện DOC, sớm hoàn thành COC thực chất, có hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.
An ninh đang được thắt chặt tại thành phố Osaka - nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. Hơn 32.000 cảnh sát được điều động để đảm bảo an ninh. Bên cạnh nghị trình chính thức, hội nghị năm nay còn được chú ý với các nội dung bên lề, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trước khi lên chuyên cơ đến Nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc rất muốn có thỏa thuận thương mại với Mỹ, nếu không nền kinh tế lớn 2 thế giới sẽ "sụp đổ hoàn toàn". Giới chuyên gia đánh giá hai bên khó đạt thỏa thuận thương mại toàn diện bên lề Hội nghị G20, nhưng dự đoán sẽ có một lệnh “đình chiến” tạm thời. Bên cạnh đó, các vấn đề về Triều Tiên, Iran cũng rất được quan tâm.
Phúc Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.