Việt Nam nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng trưởng bao trùm

19/11/2018 08:00 GMT+7

Ngày 18.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham dự nhiều sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

Các nhà lãnh đạo APEC đã tham gia đối thoại với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, phiên họp quan trọng về “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm thông qua tương lai số” và phiên làm việc về “Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong kỷ nguyên số”.
Phát biểu tại các cuộc thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh APEC cần tăng cường phối hợp với các cơ chế đa phương, nhất là với IMF, để đẩy mạnh liên kết kinh tế, quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu cân bằng, tăng trưởng bao trùm và đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, kinh tế thế giới xuất hiện dấu hiệu bất ổn, thách thức mới, chưa có tiền lệ, đe dọa sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu. APEC cũng đứng trước những thử thách mới, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của mỗi thành viên. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tôn trọng các trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như vai trò của các định chế toàn cầu, đặc biệt là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thủ tướng đề nghị cần tăng cường cải cách cơ cấu nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế, bảo đảm những lợi ích của sáng tạo và công nghệ lan tỏa trong nền kinh tế, đến với mọi người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa. APEC cần thúc đẩy triển khai hiệu quả sáng kiến về thương mại điện tử qua biên giới, kinh tế mạng và kinh tế số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần đầu tư hạ tầng số và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số theo hướng toàn diện, đáng tin cậy và an toàn, tập trung vào hạ tầng thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cấp tổ chức và kỹ năng quản trị. Các nền kinh tế phát triển hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển trong chuyển đổi cơ cấu, xây dựng năng lực quản trị và tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao khả năng kết nối trong thời đại số. Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chưa bền vững và đồng đều. Theo Thủ tướng, các thành viên APEC cần tận dụng cơ hội to lớn của kỷ nguyên số đặt người dân vào trung tâm của phát triển, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, người khuyết tật, nâng cao năng lực và tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và ứng phó với rủi ro. Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện các kế hoạch hành động của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, phát triển nông thôn - đô thị, đồng thời hỗ trợ các thành viên đang phát triển ứng dụng công nghệ cao giảm rủi ro, cảnh báo sớm và phục hồi sau thiên tai.
Thủ tướng thông báo Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 12.11, đồng thời nêu bật nỗ lực của Việt Nam trong cải cách nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện phúc lợi của người dân. Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, chú trọng tăng trưởng bền vững, bao trùm, khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Qua 20 năm tham gia APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia đề xuất ý tưởng, chủ động thực hiện các sáng kiến và sẽ tiếp tục đóng góp cùng vun đắp tương lai chung của một Cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động về kinh tế, bao trùm về xã hội, ổn định về an ninh và phát triển thịnh vượng.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Trưởng khu hành chính đặc biệt Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga trước khi lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26.
Chiều 18.11, Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 bế mạc mà không đưa ra tuyên bố chung, được cho là xuất phát từ khác biệt về xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo các nền kinh tế APEC không đạt được đồng thuận bằng văn bản tại kỳ họp thường niên. Tuy nhiên, các thành viên APEC nhấn mạnh những kết quả quan trọng về liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm, kết nối và nhiều lĩnh vực khác đạt được trong năm nay, đồng thời nhất trí tiến hành hội nghị lần thứ 27 tại Chile vào năm 2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.