Vĩnh biệt huyền thoại Fidel Castro

27/11/2016 09:08 GMT+7

Nhân dân Cuba và nhiều nước trên thế giới bàng hoàng trước tin cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ trần ở tuổi 90.

Lãnh tụ Fidel Castro trút hơi thở cuối cùng tại thủ đô Havana vào lúc 22 giờ 29 phút ngày 25.11 (giờ địa phương, tức sáng qua, giờ VN). Tin buồn được loan báo qua bài phát biểu ngắn gọn của Chủ tịch Cuba Raul Castro được phát trực tiếp trên truyền hình. Tuy nhiên, chính phủ Cuba chưa thông báo chi tiết về nguyên nhân ra đi của nhà lãnh tụ. Theo Reuters, sức khỏe của Fidel đã suy yếu kể từ sau lần phát bệnh đường ruột năm 2006 và 2 năm sau đó, ông chuyển giao các vị trí lãnh đạo cho ông Raul.
Quốc tang 9 ngày
Theo thông báo chính thức, thi hài sẽ được hỏa táng ngay trong ngày 26.11 (giờ địa phương), đúng như di nguyện của ông. Hội đồng Nhà nước Cuba cũng tuyên bố quốc tang 9 ngày và trong khoảng thời gian này, hài cốt sẽ được đưa đến nhiều khu vực để người dân cả nước có thể tiễn biệt người lãnh tụ vĩ đại. Đến ngày 4.12, lễ an táng sẽ diễn ra tại Santiago de Cuba, Reuters dẫn thông báo cho biết. Thành phố này chính là nơi khởi phát cuộc cách mạng Cuba khi Fidel cùng các đồng chí anh dũng tấn công pháo đài Moncada vào ngày 26.7.1953.
Cũng trong thời gian quốc tang, tất cả hoạt động giải trí sẽ tạm dừng trên toàn quốc, các tòa nhà và cơ sở quân sự treo cờ rủ trong khi kênh truyền hình và đài phát thanh chỉ phát những chương trình về lịch sử, lòng yêu nước và mang tính cung cấp thông tin.
Sau khi tin buồn được công bố, những con phố luôn náo nhiệt ở Havana bỗng trở nên vắng lặng. Nhiều người không cầm nổi nước mắt khi báo tin cho người thân, khi ôm chầm láng giềng để an ủi nhau. BBC dẫn lời một nữ cán bộ ở Havana thổn thức: “Tôi luôn nói rằng điều đó (ông Fidel Castro từ trần - NV) không thể xảy ra, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể tin”. Một người khác tên Luis Martinez khẳng định: “Đối với mỗi người trong và ngoài Cuba, sự ra đi của ông ấy là điều rất đau lòng”. Đối với người thợ làm bánh mì Michel Rodriguez thì “mất đi Fidel như mất một người cha”, còn người lao công quét đường 55 tuổi Micaela Consuegra chia sẻ với AFP: “Ông ấy là người đàn ông độc nhất vô nhị. Dù là bạn bè hay kẻ thù thì cũng không ai có thể quên ông ấy”.
Đối với thế hệ trẻ thì tình cảm dành cho Fidel cũng không kém phần sâu sắc. “Tôi rất buồn. Dù ai nói gì đi nữa, ông ấy vẫn là nhân vật mà cả thế giới tôn trọng và yêu mến”, sinh viên Sariel Valdespino chia sẻ với Reuters.
Tượng đài cách mạng
Trong suốt cuộc đời, lãnh tụ Fidel Castro đấu tranh không ngừng nghỉ cho lý tưởng tự do, giải phóng dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân Cuba cũng như sự nghiệp cách mạng thế giới.
Sinh ngày 13.8.1926 tại làng Biran thuộc tỉnh Holguin, từ khi còn là sinh viên ngành luật Đại học Havana, Fidel đã tích cực tham gia các phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chính quyền tay sai Fulgencio Batista. Ở tuổi đôi mươi, trong khi bạn bè cùng trang lứa mải mê lo cho sự nghiệp riêng, ông Fidel quyết định dấn thân vào con đường đầy chông gai, máu lửa mà phát súng lớn đầu tiên chính là cuộc tấn công pháo đài Moncada.
Tuy không thành công và bản thân Fidel bị bắt nhưng trong phiên tòa tháng 9.1953, ông chứng tỏ lý tưởng cao đẹp, tài hùng biện hơn người và sức hấp dẫn quần chúng của mình qua bài tự bào chữa lừng danh mà sau này được gọi là “Lịch sử sẽ xóa tội cho tôi”, theo chuyên trang Marxist.org.
Năm 1955, Fidel được trả tự do theo một thỏa thuận ân xá và ông tiếp tục sang Mexico lập nhóm vũ trang kháng chiến để cùng người đồng chí, người anh em Che Guevara bền bỉ kiên gan tiến hành cuộc cách mạng. Bốn năm sau, đoàn quân cách mạng tiến vào Havana vào ngày 1.1.1959 và nhà nước XHCN đầu tiên ở Tây bán cầu được khai sinh. Từ đó, Fidel tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Cuba chiến thắng hàng loạt âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng như vụ Vịnh Con Lợn năm 1961 hay Khủng hoảng tên lửa năm 1962. Chưa hết, Fidel nhanh chóng trở thành một trong những nhà lãnh đạo nổi bật nhất trên trường quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè khắp thế giới đối với Cuba.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, hơn 50 năm qua, đất nước này dù còn nhiều khó khăn, bị bao vây cấm vận trăm bề nhưng vẫn luôn đứng trong tốp cao của thế giới về y tế và giáo dục và hiện nay đang có những bước cải cách phát triển mạnh mẽ. Một trong những kết quả tất yếu là quyết định hướng đến bình thường hóa quan hệ, chấm dứt nửa thế kỷ thù địch do Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra cuối năm 2014.
Mặt khác, trong bức thư gửi nhân dân Cuba đăng trên báo Granma khi quyết định nghỉ hưu năm 2008, Fidel khẳng định ông muốn thế hệ trẻ tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Cuba. Nhiều nhà quan sát đánh giá đây là một trong những động thái mở đường cho quá trình cải cách đang diễn ra của Cuba.
Fidel trong chuyến thăm Paris (Pháp) tháng 3.1995 Ảnh: Reuters
Những kỷ lục
Với gần nửa thế kỷ dẫn dắt Cuba, Fidel Castro là nhà lãnh đạo có thời gian tại vị dài nhất trong thời hiện đại, không tính các vị vua và nữ hoàng. Theo CNN, ông lãnh đạo Cuba qua 9 đời tổng thống Mỹ, từ ông Dwight Eisenhower cho tới ông Bill Clinton. Lãnh tụ Cuba Fidel cũng nắm giữ kỷ lục là người có bài diễn thuyết dài nhất trước LHQ với bài phát biểu 4 tiếng 29 phút vào ngày 26.9.1960. Ngày 24.12.1998, ông thậm chí còn có bài phát biểu dài hơn, tới 7 tiếng 30 phút sau khi được quốc hội tái bỏ phiếu làm Chủ tịch Cuba.
Bên cạnh đó, một trong những “truyền kỳ” chưa được xác nhận về Fidel là ông đang nắm “kỷ lục” về số lần bị ám sát hụt. Theo ước tính của cơ quan an ninh Cuba, kể từ khi lên lãnh đạo năm 1959, nhà lãnh tụ đã vượt qua 638 âm mưu ám sát của CIA, chưa kể tới các lực lượng khác. Năm 2012, tạp chí Time đã bầu chọn ông là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.

Việt Nam đau buồn sâu sắc

Theo TTXVN, ngày 26.11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi điện bày tỏ xúc động và đau buồn sâu sắc trước tin lãnh tụ Fidel Castro từ trần. Điện chia buồn khẳng định tình đoàn kết chiến đấu kiên định của VN với những người Cộng sản và nhân dân Cuba anh em và cựu Chủ tịch Fidel Castro sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Cuba và các dân tộc anh em trên thế giới. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla.
Với sự dày công vun đắp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro, VN và Cuba đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 12.1960. Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN (tháng 12.1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban Đoàn kết với VN (tháng 9.1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN tại vùng giải phóng (tháng 7.1967).
Với những công lao và đóng góp to lớn, lãnh tự Fidel Castro đã được Đảng và Nhà nước VN trao tặng Huân chương Sao Vàng vào năm 1982 và Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1989.
Cũng trong ngày 26.12, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi lời chia buồn tới gia đình của lãnh tụ và tuyên bố: “Tâm tư và những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho người dân Cuba”. Ông còn nhấn mạnh Mỹ “muốn thiết lập quan hệ tốt đẹp” với người dân nước này. Tổng thống đắc cử Donald Trump thì đăng dòng thông báo ngắn gọn trên mạng xã hội và không bình luận thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Raul Castro và gọi lãnh tụ Fidel Castro là “tấm gương khơi nguồn cảm hứng cho nhiều người, là người bạn thẳng thắn, đáng tin cậy và chân thật của Nga”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Nhân dân Trung Quốc vừa mất đi một đồng chí thân thiết và một người bạn chân thành”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng trong thời Chiến tranh lạnh, lãnh tụ Fidel Castro đã mang lại cho người dân Cuba niềm tự hào về việc kiên định chống trả mọi ý đồ thống trị từ bên ngoài còn Giáo hoàng Francis bày tỏ đau buồn và tuyên bố sẽ cầu nguyện cho nhà lãnh tụ.
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.