Vụ bê bối thịt bẩn chấn động Brazil

21/03/2017 09:46 GMT+7

Chính phủ Brazil đang nỗ lực trấn an cộng đồng quốc tế do lo ngại vụ bê bối thịt bẩn đe dọa ngành xuất khẩu thịt của nước này.

AFP ngày 20.3 đưa tin Tổng thống Brazil Michel Temer đã mời các đối tác thương mại nước ngoài dự buổi tiệc tối tại một nhà hàng ở thủ đô Brasilia hôm 19.3. Hành động trên nhằm trấn an dư luận rằng bê bối thịt bẩn đang xảy ra ở Brazil không có nghĩa các sản phẩm của nước này đều không an toàn.
Tại cuộc gặp với các đại sứ Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc, Tổng thống Temer nói rằng chính phủ của ông vẫn tự tin về chất lượng thịt của Brazil - nước xuất khẩu thịt gia súc hàng đầu thế giới. “Chính phủ Brazil rất tin tưởng chất lượng sản phẩm của quốc gia được người tiêu dùng tin dùng và được chấp thuận ở các thị trường khắt khe nhất”, ông Temer nói.
Động thái trên xảy ra sau khi hàng loạt cơ sở sản xuất thịt lớn ở Brazil bị cáo buộc bán thịt hư thối trong suốt nhiều năm. Theo Reuters, cảnh sát liên bang Brazil ngày 17.3 đã mở chiến dịch chống thịt bẩn tại 6 bang ở nước này sau 2 năm điều tra.
Hơn 1.000 cảnh sát được triển khai ập vào các nhà máy sản xuất thịt tại 194 địa điểm trên toàn quốc và đã bắt giữ hơn 30 người. Chính phủ Brazil cũng đình chỉ công tác của hơn 30 quan chức có nhiệm vụ giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người này đang bị điều tra vì tình nghi nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận an toàn cho những sản phẩm thịt kém chất lượng. Cho đến nay, đã có 3 nhà máy sản xuất thịt tại Brazil bị đóng cửa và 21 cơ sở khác đang bị điều tra, theo BBC.
Mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 45 tấn thịt bò từ Brazil
Liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn, thông tin từ một số nhà nhập khẩu cho hay thịt bò nhập từ Brazil vào Việt Nam với số lượng khá khiêm tốn. Theo số liệu từ Hải quan TP.HCM và các nhà nhập khẩu, trung bình mỗi tháng Việt Nam nhập khoảng 3 container thịt bò từ Brazil, tương đương 45 tấn. Sản phẩm đến từ Brazil chủ yếu là bắp bò với giá bán sỉ 160.000 đồng/kg loại thùng 20 kg.
Theo một nhà nhập khẩu và phân phối thực phẩm sạch Việt Nam (trụ sở tại Đông Anh, Hà Nội), thịt bò từ Brazil được sử dụng để chế biến và đóng hộp nhiều hơn ăn tươi. Ngoài bắp bò, cánh gà và chân gà nhập từ Brazil cũng được bán tại Việt Nam, với giá sỉ 60.000 đồng/kg cánh gà loại thùng 15 kg. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho rằng lượng thịt bò, gà có xuất xứ từ quốc gia Nam Mỹ này không đáng kể so với nhu cầu thị trường trong nước. Riêng sản phẩm của BRF và JBS không có mặt tại Việt Nam. H.N
Trong số các cơ sở bị điều tra có Tập đoàn BRF với các sản phẩm thịt gia cầm mang thương hiệu Sadia và Perdigao, cùng Hãng xuất khẩu thịt bò JBS với các thương hiệu như Big Frango, Seara Alimentos và Swift, theo AFP. “Họ đã sử dụng a xít và nhiều hóa chất khác để xử lý sản phẩm thịt. Trong một số trường hợp, những sản phẩm này có chứa chất gây ung thư”, theo giới chức cảnh sát Brazil. Tuy nhiên, cả BRF lẫn JBS đều khẳng định họ tuân thủ đầy đủ mọi tiêu chuẩn về chất lượng cũng như quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều nơi lo ngại
Tổng thống Temer giải thích các nhà máy đang bị theo dõi chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành sản xuất thịt ở Brazil. “Chỉ có 21/4.837 nhà máy ở Brazil đối mặt với các cáo buộc vi phạm. Và chỉ 6/21 cơ sở đã xuất khẩu thịt trong 60 ngày qua”, ông Temer cho hay.
Brazil, quốc gia thu về 12 tỉ USD/năm từ ngành xuất khẩu thịt, hiện lo ngại Mỹ, Trung Quốc và EU có thể cấm nhập khẩu thịt từ nước này. Trên thực tế, nhiều khách hàng lớn của Brazil vẫn tỏ ra đề phòng, theo Reuters.
“Bạn không thể chơi đùa với thực phẩm”, Đại sứ Thụy Sĩ Andre Regli tại Brazil cho biết. Đại sứ EU Joao Cravinho nhấn mạnh ông sẽ yêu cầu Bộ Nông nghiệp Brazil sớm làm rõ vấn đề trên. Còn giới chức Mỹ cho hay đang theo dõi sát sao vụ việc, trong khi Reuters ngày 20.3 dẫn nguồn tin tiết lộ Trung Quốc đã tạm ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil như một biện pháp đề phòng.
Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào ngã bệnh liên quan tới vụ bê bối thịt bẩn trên, theo AFP. Tuy nhiên, Brazil lo ngại vụ việc trên còn có thể gây cản trở nỗ lực đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và EU.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.