Vũ khí mới chống quan tham

18/09/2007 23:58 GMT+7

Mỗi năm trên thế giới có hàng chục tỉ USD của người nghèo bị quan tham chiếm đoạt và chuyển ra nước ngoài. Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Ngân hàng Thế giới vừa phát động một chương trình nhằm tróc nã quan tham và lấy lại số tiền bị đánh cắp.

Những con số mà Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick vừa đưa ra khiến bất cứ ai có lương tri đều phải rùng mình. Tại lễ phát động kế hoạch "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" do WB và Văn phòng Chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) chủ trì hôm 17.9, ông Zoellick nói rằng mỗi năm số tiền có được từ các hoạt động trốn thuế, tham nhũng... được chuyển qua biên giới giữa các quốc gia lên tới 1.000 đến 1.600 tỉ USD. Trong đó, châu Phi mỗi năm mất 148 tỉ USD, tương đương 25% GDP, do tham nhũng. Báo International Herald Tribune dẫn báo cáo của LHQ cho biết quan chức cấp cao tại các nước đang phát triển mỗi năm chuyển ra nước ngoài ít nhất 40 tỉ USD tiền tham nhũng.

Những con số trên có ý nghĩa gì? Theo ông Zoellick, chỉ cần lấy lại được một phần nhỏ số tiền bị mất, thế giới có thể giải quyết được hàng loạt vấn đề. Chẳng hạn như với mỗi 100 triệu USD thu hồi được, người ta có thể tiêm chủng cho 4 triệu trẻ em, hoặc xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 250.000 hộ gia đình, hoặc điều trị hơn 600.000 bệnh nhân HIV/AIDS mỗi năm, hoặc chữa trị 50 triệu đến 100 triệu bệnh nhân sốt rét.

Theo báo cáo của LHQ, vào tháng 1.2004, Philippines đã thu hồi được 624 triệu USD từ tài khoản của cựu Tổng thống Ferdinand Marcos ở các ngân hàng Thụy Sĩ sau 18 năm đấu tranh. Từ tháng 8.2001 đến 2004, Peru đã thu hơn 180 triệu USD của Vladimiro Montesinos (Giám đốc tình báo nước này dưới thời Tổng thống Alberto Fujimori) từ các ngân hàng ở Thụy Sĩ, quần đảo Cayman và Mỹ. Nigeria đã thu hồi 505 triệu USD từ tài khoản của gia đình cựu tướng Sani Abacha ở các ngân hàng Thụy Sĩ.

"Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" đã ra đời trên cơ sở những phép tính không quá rắc rối đó. Sáng kiến này là công cụ mới hỗ trợ các nước nghèo chống tham nhũng. "Nhiều nước đang phát triển đã làm thất thoát số tiền lẽ ra được sử dụng để chống nghèo đói. Có một điều cần khẳng định là không có nơi nương náu an toàn cho những kẻ ăn cắp của người nghèo", Hãng tin AP dẫn lời ông Zoellick. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon thì đánh giá rằng thiệt hại do tham nhũng gây ra nghiêm trọng hơn nhiều so với số tài sản bị mất do tham nhũng.

"Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" là hành động cụ thể hóa Công ước về chống tham nhũng của LHQ đã được nhiều nước ký năm 2005. Theo giới chức LHQ, công cụ chống tham nhũng mới sẽ giúp tăng cường khả năng truy tìm tài sản bị chuyển ra nước ngoài trong các vụ tham nhũng, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia với các tổ chức tài chính nhằm chống rửa tiền và giám sát hoạt động chuyển tiền. Nói một cách đơn giản, "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" tập trung vào việc truy thu các khoản tiền mà quan tham chuyển ra gửi ở nước ngoài.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria nói rằng kế hoạch mới của WB và LHQ sẽ giúp xóa sổ "kho giữ tiền" ở nước ngoài của quan tham. "Quan chức tham nhũng nên biết rằng bất cứ khoản tiền nào mà họ chuyển ra nước ngoài đều sẽ bị chuyển trở lại", bà Okonjo-Iweala nói. Hơn ai hết, Okonjo-Iweala hiểu rất rõ ý nghĩa của việc làm này vì bà là người chịu trách nhiệm giám sát việc chuyển 505 triệu USD tiền tham nhũng được gửi ở các ngân hàng Thụy Sĩ trả về Nigeria.

Tham nhũng, trong đó có tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao cấp, là căn bệnh hết sức nghiêm trọng tại nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo. Lâu nay, nhiều chiến dịch cấp quốc gia và quốc tế đã được triển khai nhưng theo đánh giá của LHQ thì thường phải mất tới 10 - 15 năm người ta mới thu hồi được khoảng 10 - 15% số tiền bị chiếm đoạt. Sự ra đời của "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" được chờ đợi sẽ cung cấp thêm một loại vũ khí hữu hiệu cho cuộc chiến chống tham nhũng.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.