Gần 20 năm sau vụ khủng bố ngày 11.9, ông Joe Dittmar đã hồi tưởng lại ký ức kinh hoàng và hành trình thoát khỏi tử thần của ông trong cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình Nine News.
Ông Dittmar (khi đó 44 tuổi) sống tại thành phố Aurora, bang Illinois và đến dự cuộc họp tại tầng thứ 105 của tòa tháp Nam cao 110 tầng của Trung tâm thương mại thế giới tại New York vào sáng 11.9.2001.
Khoảng 8 giờ 43 phút, chiếc Boeing 767 của hãng American Airlines chở 76 hành khách, phi hành đoàn 11 người và 5 tên không tặc đâm vào tòa tháp Bắc, tác động trực tiếp từ tầng 93 - 99.
Tại tòa tháp Nam, ông Dittmar và những người khác được yêu cầu sơ tán khẩn nhưng không hay biết chuyện gì. Sau khi lội bộ 15 tầng, ông và những người còn lại thấy một cửa thoát hiểm mở hé nên nhìn ra xem và phát hiện cảnh tượng kinh hoàng bên tòa nhà song sinh.
|
Ông Dittmar kể đã nhìn thấy “cái lỗ đen khổng lồ” trong tòa nhà và thấy phần bụng của chiếc máy bay lớn mắc kẹt bên trong. Ông Dittmar thắc mắc làm thế nào phi công lại không nhìn thấy tòa nhà.
Do thang máy không thể di chuyển từ dưới đất lên tầng trên cùng, có hai điểm dừng là hai sảnh lớn tại tầng 78 và 44 của tòa tháp để đổi thang máy. Tại đây, một người phụ nữ dự họp chung với ông Dittmar gọi ông vào thang máy nhưng ông vẫy tay từ chối và tiếp tục leo bộ. Ông Dittmar mô tả đây là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời ông.
Vài phút sau đó, khi ông leo xuống tầng 73, chiếc máy bay thứ 2 của hãng United Airlines đâm vào tòa tháp Nam, chỉ trên nơi ông đứng vài tầng. Ông Dittmar kể rằng tay vịn cầu thang tách ra khỏi bức tường, bê tông nứt như mạng nhện và cầu thang thì cuộn như sóng biển. Quả cầu nhiệt thổi từ trên xuống dưới và ông ngửi thấy mùi xăng máy bay.
|
Theo ông Dittmar, nhờ điện thoại không hoạt động nên ông và những người khác không biết được chuyện gì xảy ra để tập trung vào việc thoát khỏi tòa nhà.
Đến tầng 35, ông Dittmar gặp một nhóm cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên y tế “anh hùng” đang đi ngược lên. “Họ biết rằng họ đang đi lên để chống lại ngọn lửa mà họ không thể đánh bại, biết rằng họ sẽ cứu những người mà họ không thể cứu”, ông Dittmar nói.
Khi đến sảnh tầng trệt, ông Dittmar và những người khác không được ra ngoài vì vật thể bên trên và có cả người nhảy xuống. Ông Dittmar được hướng dẫn đi xuống một lối đi ngầm có đường thông ra xa khỏi tòa tháp đôi.
|
Tại đây, ông gặp một người bạn cũ và đến 9 giờ 59, tòa tháp bắt đầu đổ sụp. Cả hai người kịp leo cầu thang trồi lên mặt đất và làm theo lệnh cảnh sát, cắm đầu chạy và không nhìn lại. Khi ngang qua hiệu giặt ủi, ông nghe thấy bản tin trên đài nói về một cuộc tấn công khủng bố. Đến khi cách tòa tháp đôi khoảng 8 dãy nhà, ông Dittmar nghe âm thanh gây ám ảnh phần đời còn lại.
“Tiếng của hàng trăm, hàng ngàn, có thể đến hàng chục ngàn người trên phố ở New York hét lên kinh khiếp cùng lúc. Đó là âm thanh tôi nghe đầu tiên vào mỗi sáng và là âm thanh cuối cùng tôi nghe mỗi đêm”, ông Dittmar nói.
|
Sau khi hay tin về các vụ đâm máy bay tại Lầu Năm Góc và máy bay rơi tại Pennsylvania, ông Dittmar sau cùng xâu chuỗi lại được các sự kiện. 6 giờ sau đó, ông liên lạc được với gia đình để thông báo còn sống. Trong số 54 người dự cuộc họp cùng ông Dittmar, chỉ có 7 người sống sót.
Theo các nhà điều tra, khoảng 17.400 người đang ở trong 2 tòa tháp lúc vụ tấn công xảy ra. Tổng cộng 2.977 người thiệt mạng trong các vụ tấn công tại New York, Virginia và Pennsylvania. Có ít nhất 1.356 nạn nhân ở vùng bị máy bay đâm tại tháp Bắc và ít nhất 618 người trên vùng máy bay đâm vào tại tháp Nam.
Bình luận (0)