Vụ khủng bố Paris một năm về trước xảy ra như thế nào?

13/11/2016 15:01 GMT+7

Ngày 13.11.2015, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm chấn động cả thế giới khi tiến hành chuỗi tấn công khủng bố ngay giữa thủ đô Paris (Pháp), làm 130 người thiệt mạng.

Vụ khủng bố Paris ngày 13.11.2015 mở màn vào lúc 21 giờ 20 phút bằng vụ đánh bom tự sát ngay bên ngoài sân vận động quốc gia Pháp State de France ở vùng ngoại ô Paris, Saint Denis. Bên trong sân lúc đó đang diễn ra trận đấu giao hữu bóng đá giữa 2 đội tuyển quốc gia Pháp và Đức, có Tổng thống Pháp Francois Hollande dự khán. Ba kẻ đánh bom làm một người qua đường thiệt mạng, theo AP.
Vài phút sau đó, các vụ nổ súng bắt đầu xảy ra tại khu phía đông Paris, tại các quán cà phê ở quận 10 và 11. Một nhóm tay súng với chỉ 3 người tấn công 6 quán, bắn hơn 400 viên đạn trong khoảng 10 phút, làm 39 người thiệt mạng.
Sau đó, tại nhà hát Bataclan, khi khán giả đang thưởng thức buổi trình diễn của ban nhạc rock Eagles of death Metal, ba kẻ tấn công xâm nhập vào bên trong và nã súng vào khán giả. Những người cố trốn cũng bị truy tìm trong cuộc truy sát kéo dài gần 3 giờ. Tổng cộng có 130 người thiệt mạng trong chuỗi tấn công ở sân vận động và trong thành phố. Hàng trăm người khác bị thương, trong đó 9 người đến nay vẫn còn đang nằm viện.

tin liên quan

Vụ khủng bố Paris đã được tổ chức ra sao?
IS có khả năng “huy động nhân sự” rất nhanh bên cạnh khả năng tổ chức tấn công rất chuyên nghiệp và chặt chẽ. The Guardian dẫn ý kiến của giới chuyên môn, vẽ ra 3 “kịch bản” tấn công của khủng bố.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm loạt tấn công, lấy cớ là trả đũa việc Pháp tham gia chiến dịch quân sự chống lực lượng này ở Iraq và Syria. Mặt khác, Pháp cũng được coi là mục tiêu tiềm năng của những phần tử Hồi giáo cực đoan, vì nước này từng ban hành các quy định cấm người Hồi giáo mang khăn trùm đầu ở trường và bắt buộc không che kín mặt ở nơi công cộng. Trong khi đó, nhiều tên tham gia vụ tấn công là người Hồi giáo, thuộc những cộng đồng cảm thấy bị đối xử không công bằng vì không hòa hợp được hoặc bị phân biệt đối xử ở Pháp.
Có 7 phần tử khủng bố thiệt mạng trong đêm xảy ra vụ tấn công, trong khi 2 tên khác bị cảnh sát tiêu diệt trong một cuộc bố ráp 5 ngày sau đó. Nghi phạm quan trọng Salah Abdeslam bị bắt 4 tháng sau tại Bỉ.
Cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 13.11.2015 làm rúng động thế giới Reuters
Tuy vậy, một số thành viên của mạng lưới này vẫn sống sót và tiếp tục ẩn náu tại Bỉ, Iraq và Syria để ủ mưu tấn công tiếp. Vài ngày sau khi Abdeslam bị bắt, ba kẻ tấn công đánh bom ngày 22.3.2016 ở sân bay tại thủ đô Brussels (Bỉ) và ga tàu điện, làm 32 người thiệt mạng. Ba kẻ này cũng thiệt mạng, trong khi nhiều nghi phạm khác bị bắt giữ và buộc tội.
Tổng thống Hollande sau cuộc tấn công hồi tháng 11, đã ra lệnh tiến hành không kích nhắm vào IS ở Syria, kéo dài chiến dịch quân sự nhằm khẳng định nước Pháp không sợ hãi. Tuy nhiên, các kẻ tấn công có liên kết với IS sau đó vẫn đánh vào nước Pháp. Tiêu biểu nhất là cuộc tấn công ở thành phố Nice, khi hung thủ lái xe tải đâm vào đám đông người xem bắn pháo hoa nhân ngày quốc khánh Pháp 14.7.2016, làm 85 người thiệt mạng.
Nhà hát Bataclan, một trong những địa điểm bị tấn công vào ngày 13.11.2015 Reuters
Những câu hỏi chưa có lời giải
Đến nay, Pháp vẫn cùng các nước tham gia vào chiến dịch đánh đuổi IS ra khỏi Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Chính quyền Pháp cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp và nhiều lần kéo dài thời hạn, cảnh sát được phép tiến hành các vụ khám nhà và tạm giữ các đối tượng tình nghi.
Sau vụ tấn công Paris ngày 13.11.2015, nhiều câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải. Danh tính của 2 trong số các kẻ tấn công vẫn chưa được xác nhận. Nhiều người cho rằng những tên này là người Iraq, xâm nhập vào châu Âu bằng cách hòa vào dòng người tị nạn từ Syria.
Số lượng thành viên của nhóm khủng bố đã thực hiện các vụ tấn công này vẫn chưa được xác định rõ và trên hết "đạo diễn" chuỗi tấn công chưa được tìm thấy. Giới chức Bỉ và Pháp nghi kẻ này là Oussama Atar, một người Bỉ từng tham gia nhóm vũ trang cực đoan.
Chính quyền Pháp cho hay hơn 600 người đến nay vẫn phải điều trị tâm lý vì ảnh hưởng từ vụ tấn công một năm trước, theo Fox News. Trong bài viết đăng trên các tờ báo của châu Âu ngày 12.11, Thủ tướng Manuel Valls cảnh báo khủng bố chắc chắn sẽ lại tấn công nước Pháp, tuy nhiên, "chúng ta có đủ nguồn lực để phản kháng và sức mạnh để chiến thắng".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.