Xem pháo tự hành 155 mm bắn đạn bội siêu thanh hạ tên lửa hành trình

18/09/2020 17:43 GMT+7

Ngày 15.9 qua, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố clip về kết quả thử nghiệm dùng pháo mặt đất 155 mm bắn đạn bội siêu thanh hạ một tên lửa hành trình.

Theo UPI, việc thử nghiệm pháo mặt đất 155 mm bắn đạn bội siêu thanh diễn ra từ ngày 31.8 - 3.9 tại khu thử nghiệm vũ khí ở khu vực thử nghiệm tên lửa White Sands, bang New Mexico, trong khuôn khổ chương trình Hệ thống quản lý chiến trường tiên tiến (ABMS) của Không quân Mỹ.

ABMS có ngân sách khoảng 3,3 tỉ USD kéo dài 5 năm. Hệ thống này sẽ thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin trên chiến trường đến các lực lượng liên quan để có thể ra quyết định tác chiến nhanh nhất.

Máy bay không người lái BQM-167 Skeeter được phóng lên không trung, giả lập tên lửa hành trình của Nga

Ảnh từ clip Không quân Mỹ

Trong lần thử nghiệm ngày 3.9, một máy bay không người lái loại BQM-167 Skeeter được phóng từ dàn phóng dưới mặt đất lên không trung, mô phỏng tên lửa hành trình của Nga đang lao đến các mục tiêu của Mỹ.

Hệ thống ABMS phát hiện, phân tích và truyền thông tin về “tên lửa” qua hệ thống điện toán đám mây (truyền thông tin qua mạng 4G, 5G theo thời gian thực).

Nhóm chỉ huy tác chiến theo dõi hoạt động của ABMS tại căn cứ không quân Andrews, bang Maryland, ngày 2.9.2020

Không quân Mỹ

Sau đó, một khẩu pháo tự hành M109A6 Paladin (bắn đạn 155 mm) của Lục quân Mỹ bắn đi một viên đạn bội siêu thanh HVP, tiêu diệt quả "tên lửa" này trên không trung.

Pháo tự hành M109A6 Paladin (phải) và pháo hạm AGS 155 mm (gắn trên xe bánh xích trong thử nghiệm) tham gia bắn HVP

Không quân Mỹ

HVP là loại đạn bội siêu thanh 155 mm do hãng BAE Systems nghiên cứu phát triển từ năm 2013, có tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh (khoảng 6.174 km/giờ) nhờ trang bị 1 động cơ phản lực. Loại đạn này không dùng thuốc nổ mà chủ yếu dùng động năng cực lớn để đâm vào và hủy diệt mục tiêu.

Ban đầu đạn HVP được phát triển để sử dụng cho loại pháo điện từ (còn gọi là railgun, cũng do BAE Systems chế tạo) trang bị trên chiến hạm tàng hình lớp Zumwalt của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên sau đó Lục quân Mỹ đã chú ý đến loại đạn này vốn có tầm bắn xa đến gần 90 km, tốc độ bay cực lớn, nên áp dụng thử nghiệm trên các loại pháo mặt đất có sẵn như M109A6 Paladin vào năm 2016.

Đạn pháo 155 mm bội siêu thanh HVP

The Drive

Với việc sử dụng HVP, tầm bắn của các loại pháo mặt đất như Paladin đã tăng đáng kể, từ khoảng 20 - 30 km lên gấp 3 - 4 lần.

Giá của HVP là cực rẻ nếu so sánh với việc dùng tên lửa để chống tên lửa, mỗi quả HVP chỉ khoảng 85.000 USD (giá năm 2018) nếu so với hàng triệu USD của tên lửa.

Đáng chú ý, trong clip thử nghiệm trên cũng có mặt khẩu pháo hạm AGS 155 mm sẽ bố trí trên chiến hạm tàng hình Zumwalt, theo tài khoản dambiev (mạng livejournal, Nga). Khẩu pháo này cũng khai hỏa đạn HVP trong thử nghiệm trên nhưng không rõ kết quả.

Pháo hạm AGS 155 mm sẽ trang bị cho chiến hạm tàng hình lớp Zumwalt tham gia bắn HVP

Tài khoản dambiev.livejournal (Nga)

Nạp đạn HVP cho pháo hạm AGS 155 mm trong thử nghiệm tại căn cứ White Sands, bang New Mexico

Tài khoản dambiev.livejournal (Nga)

Đây là lần thứ 2 Không quân Mỹ thử nghiệm hệ thống ABMS, lần đầu là vào tháng 12.2019. ABMS với các phần mềm tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) sẽ dò tìm mục tiêu là các tên lửa hành trình, phân tích và truyền thông tin hướng dẫn để các lực lượng liên quan khai hỏa tiêu diệt.

Kỹ thuật viên hãng AT&T chuẩn bị drone phát sóng 5G phục vụ thử nghiệm ABMS tại căn cứ White Sands, bang New Mexico ngày 27.8.2020

Không quân Mỹ

ABMS được cho là sẽ giúp ích cho các tư lệnh chiến trường của Mỹ trong việc ra quyết định trong chiến đấu với đối thủ tương lai, được cho là Nga và Trung Quốc.

Xem clip pháo mặt đất 155 mm khai hỏa đạn bội siêu thanh HVP tiêu diệt tên lửa hành trình (nguồn: Không quân Mỹ):

Pháo tự hành 155 mm của Mỹ bắn đạn bội siêu thanh diệt tên lửa hành trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.