"Phó làng" Lê Hồng Chuyên: Có công mài sắt...
Nhìn khuôn mặt trẻ măng của Lê Hồng Chuyên, ít ai ngờ rằng bạn lại là Phó làng thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch (Hà Tĩnh) nơi có hơn 150 hộ gia đình và 206 đoàn viên đang sinh hoạt, từng vinh dự được ra Hà Nội nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chuyên kể: Năm 2000, em tham gia vào đội trí thức trẻ tình nguyện của tỉnh. Một năm sau, lúc đó Trung ương Đoàn đang phát động chương trình Làng thanh niên lập nghiệp, nhóm tụi em là "5 anh em trên một chiếc xe tăng" chưa ai có gia đình xung phong đăng ký lên đường ngay. Hồi ấy, đường sá đi lại còn khó khăn vất vả. Tới nơi chỉ thấy rừng là rừng, buồn lắm, đất đai thì khô cằn. Nước không có, điện cũng không, thiếu thốn trăm bề nhưng cả nhóm quyết tâm phải trụ vững và rồi thông qua tỉnh Đoàn kêu gọi các bạn trẻ khắp nơi cùng "chung tay góp sức". 20 hộ đầu tiên đến an cư lạc nghiệp, tụi em ra sức khai phá, trồng những loại cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh, kết hợp với chăn nuôi và trồng rừng. Chỉ một thời gian ngắn, đất đã không phụ công người, Làng thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch bắt đầu nên hình hài và phát triển. Từ thành công này, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh xúc tiến thành lập Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế mới Hà Tĩnh trên mô hình của tụi em.
Chuyên cười, nụ cười thật hồn nhiên nhưng bắt chặt đôi bàn tay chai sần, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả mà bạn phải từng trải vì ngôi làng của mình - "mất ngủ là... chuyện bình thường". Nói về những dự tính, Chuyên bộc bạch: Bây giờ tụi em đang tập trung xây dựng thương hiệu bưởi đặc sản Phúc Trạch, trồng cam và cây trầm hương... là những thế mạnh của làng, đồng thời đi tìm đầu ra cho các sản phẩm này. Mới đây, Trung ương Đoàn cũng vừa cam kết sẽ hỗ trợ cho Làng thanh niên lập nghiệp Phúc Trạch một nhà trẻ mẫu giáo trị giá hơn 200 triệu đồng để các cháu trong làng có điều kiện đến trường. Đối với tụi em, tất cả như một giấc mơ...
Thiếu úy Đỗ Công Vụ: "Không có việc gì khó..."
Ba mất sớm, mẹ ở vậy "một thân một mình" nuôi 4 anh chị em ăn học. Tốt nghiệp Trường Kỹ thuật biên phòng, Vụ "đầu quân" về Bộ đội biên phòng TP Hồ Chí Minh. Từ đây, cuộc đời binh nghiệp càng giúp anh trưởng thành hơn. Nhiều vụ buôn lậu do anh cùng đồng đội "cất vó" trị giá hàng trăm triệu đồng. Thường xuyên trực chiến với tội phạm, đối diện ranh giới giữa cái chết và sự sống trong gang tấc nhưng không vì thế mà làm anh nhụt chí, một số băng giang hồ trên sông khét tiếng như: Hậu, Mỹ già đều bị anh tóm gọn. Năm 2004, một tin vui đến với Nguyễn Công Vụ khi anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng và là gương mặt đảng viên trẻ của lực lượng thanh niên biên phòng TP Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ trẻ Lê Minh Thái: "Tuổi trẻ phải biết tương trợ !"
Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, anh còn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được phong tặng học hàm phó giáo sư khi mới 38 tuổi. Đáng nói hơn, anh bắt đầu sự nghiệp của mình từ một chàng trai "chân đất" ra đi từ một gia đình nghèo miền quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Anh kể: "Nhà tôi đông anh em lắm (8 anh chị em), bố dạy học cấp 1, mẹ chỉ làm ruộng”. Vậy mà, giờ đây 8 anh em anh đều được học đại học và có 2 người có bằng tiến sĩ, 1 người chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Bài học trên đường đời của anh là phải biết tương trợ lẫn nhau. Anh nói: "Tôi rất thấm thía từ lời dạy của cha tôi là: dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào anh em cũng phải giúp đỡ nhau. Sở dĩ, tôi có được sự trưởng thành này là do anh em trong gia đình đã biết tương trợ lẫn nhau. Từ đó tôi nghĩ rằng trong xã hội cũng vậy, nếu thanh niên cùng hỗ trợ lẫn nhau thì sức mạnh sẽ lớán hơn rất nhiều". Đó cũng chính là mong muốn của anh gửi tới các bạn trẻ trong đại hội lần này. Anh nhấn mạnh: "Hỗ trợ nhau không chỉ là sự giúp đỡ vật chất hay tinh thần. Nhắc nhở những khiếm khuyết một cách chân thành cũng là một cách hỗ trợ tốt".
Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó bí thư Huyện Đoàn Vĩnh Thạnh (Cần Thơ): Vượt khó để thành công
Ngoài việc tích cực tham gia chỉ đạo các phong trào, Phượng còn thường xuyên tham gia vào các dự án sản xuất như nuôi dê, nuôi cá, làm vườn... đồng thời xúc tiến các hoạt động giúp thanh niên tại địa phương vay vốn mở rộng sản xuất và phối hợp với Nông trường Cờ Đỏ tập huấn về kỹ thuật. Đặc biệt, dự án nuôi tôm càng xanh triển khai được 2 năm nay đã cho kết quả khả quan đến bất ngờ. Khi thu hoạch, mỗi hộ nuôi tôm có lãi trên 20 triệu đồng/vụ. Từ kết quả đó, Phượng sẽ tiếp tục tìm hiểu và cho triển khai nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả nữa.
Công Sơn - Vũ Thơ - Mạnh Dương
Bình luận (0)