Thể thao điện tử có thể nuôi sống game thủ?

15/05/2008 15:35 GMT+7

(TNO) Ngày nay, rất nhiều phụ huynh lo ngại con cái họ mê game quên học, nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, một sự việc bao giờ cũng có hai mặt tồn tại, bên cạnh mặt này, game vẫn còn mặt mạnh của nó.

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, game là sản phẩm vô tri và vô giác, sở dĩ có những người mê mẩn vào game bỏ quên cuộc sống phần nào đó cũng bởi khả năng ý thức và tự kiềm chế của họ. Nếu chơi game đúng mức và đúng nghĩa, game sẽ không những giúp chúng ta giải trí mà còn giúp ta rèn luyện những kỹ năng về thân thể, trí lực và tiếp cận với công nghệ tiên tiến. Game là sản phẩm của sự kết hợp hội họa, công nghệ và cuộc sống, nhiều người cũng từng khẳng định rằng thông qua chơi game họ đã tiếp xúc nhiều và quen thuộc, nhanh nhạy hơn với thao tác máy tính.

Chỉ đơn giản luận bàn về game thể thao điện tử, nó có ích lợi gì và game có giúp ích gì được cho cuộc sống của game thủ không mà ngày nay cả thế giới có tới hàng triệu triệu người cùng tham gia vào thể loại này? Nhiều cường quốc về game như Hàn Quốc, Trung Quốc, hay Singapore đặc biệt tập trung đầu tư phát triển để tạo nên phong trào rộng khắp, giải đấu lớn mang tính chuyên nghiệp có hiệp hội, đoàn thể quản lý chặt chẽ và quy củ với những giải thưởng lên tới hàng triệu USD và thậm chí có những người sống chủ yếu là dựa vào "nghề" game này.

Khi tham gia các game thể thao điện tử, thể thao giải trí, bạn sẽ cảm nhận được một sự khác biệt, bạn được vận động từ trí lực, thị lực cho đến thể lực. Thao tác tay liên tục qua bàn phím và chuột máy tính, mắt và tai phải quan sát mọi chi tiết chuyển động của màn hình, tai lắng nghe từng tiếng động, sáng suốt, nhanh nhạy để phán đoán tình huống và đưa ra quyết định đúng lúc, chính xác… Tất cả kết hợp lại sẽ giúp bạn luyện tập cùng lúc nhiều khả năng của cơ thể, giúp bạn trở nên linh hoạt hơn, nhạy bén hơn trong giải quyết vấn đề, xử trí tình huống.

Ngoài ra ở một số quốc gia có ngành công nghệ thông tin phát triển như như Hàn Quốc, Mỹ… game đã không còn là sân chơi đơn thuần mà thậm chí đã phát triển thành nghề, có thể đảm bảo cuộc sống game thủ lẫn nhà phát hành game. Một trong những dòng game có sức mạnh đặc biệt này chính là thể loại MMOFPS (game thể thao điện tử, bắn súng góc nhìn thứ nhất) với đại diện là Counter Strike (CS) được ưa chuộng tại châu u, Mỹ và tại châu Á thì không thể không nhắc sản phẩm Sudden Attack (Hàn Quốc) đã có tại Việt Nam qua cái tên Biệt đội thần tốc.

Với sự hỗ trợ và tư vấn đắc lực từ Hiệp hội thể thao điện tử sắp được thành lập, chắc chắn sẽ giúp game thủ Việt Nam nâng cao kỹ thuật thi đấu và kỹ năng lên một tầm cao mới để kỳ vọng vào một cuộc đọ sức ở các giải đấu lớn quốc tế mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam.

Quy cho cùng, game vẫn là sản phẩm và con người sử dụng vẫn phải biết linh hoạt và chủ động, đừng quá đam mê để thành phụ thuộc mà hãy sáng suốt để khai thác những khía cạnh mạnh và hay của game để hỗ trợ và bổ sung cho cuộc sống của mình thêm phong phú, đa dạng và thêm có lợi.

C.L

Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích gì cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...
 
Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai giải thưởng dành cho hai bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải bBa trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

Chương trình được tài trợ bởi:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.