Thể thao điện tử và tôi

28/04/2008 15:12 GMT+7

(TNO) Bắt đầu chơi game vi tính từ năm 1998, lúc đó tôi mới chỉ 10 tuổi nhưng tôi đã thực sự yêu thích game từ lúc đó. Gia đình tôi cũng không phàn nàn khi thấy tôi có khả năng và phát triển được khả năng đó, vì khi lên năm lớp 8 khả năng sử dụng vi tính và chơi game của tôi so với các bạn cùng trang lứa đã hơn 1 bậc. Và trong khu nhà tôi ở thì tôi cũng được đánh giá là đứa vừa học giỏi vừa có khiếu vi tính nên tôi được thả sức khám phá về game mình yêu thích.

Những năm đó tôi gắn bó với Counter Strike và Starcraft phong cách Việt Nam, tức là chơi beta và sai cách với các luật đấu thiếu công bằng. Lúc đó tôi vẫn mong 1 ngày mình được thi đấu thật sự và luôn tưởng tượng xem thi đấu “chuyên nghiệp” như nước ngoài là thế nào.

Đến năm tôi học lớp 11, game online nhập vai như MU đã cuốn hút tôi, 1 phần vì tôi cũng đã không còn chơi những game như Counter Strike hay Starcraft kể từ khi tiệm game gần nhà đóng cửa. Tôi thực sự sa đà và chơi game sai cách, sau MU lại đến LineAgeII, và tôi thật sự đã đánh mất chính mình, suýt chút nữa tôi bị đuổi học và không biết tương lai sẽ ra sao.

Đúng lúc đó, tôi vô tình gặp lại Counter Strike và chính nó đã giúp tôi trở lại cuộc sống của mình. Tôi bắt đầu chỉ chơi Counter Strike 2 tiếng/ngày và học tập, ăn ngủ bình thường. Tôi đam mê Counter Strike thật sự, vài tháng sau tôi thành lập Team Counter Strike Q.9 và khoảng 2 tháng sau nữa tôi thành lập Q.9 Gaming. Từ lúc đó, tôi hiểu thế nào là thể thao điện tử.

Tôi chơi không nhiều, nhưng tôi hiểu tôi yêu cái cách “chơi game đúng” mà trước đây tôi vẫn tưởng tượng xem mặt mũi nó ra thế nào. Tôi biết cách học hỏi khi xem dân nước ngoài chuyên nghiệp thi đấu qua demo, tôi biết các yếu tố nào cần phải quan tâm khi chơi một game được liệt kê vào danh sách thể thao điện tử. Kỹ năng cá nhân, phối hợp đồng đội, chiến thuật và “đồ nghề” thi đấu, cao hơn có thể là vị trí và cách di chuyển, so sánh có thể nói nó hệt như bóng đá.

Sau khi học xong lớp 12, tôi tiếp tục theo đuổi việc tổ chức các giải đấu thể thao điện tử như Vietnam Esport Championship hay World Cyber Games và rất nhiều giải đấu nhỏ khác. Trong lúc đó tôi vẫn duy trì Q.9 Gaming của mình với các game nòng cốt là Starcraft, Counter Strike…

Thể thao điện tử không những cho tôi lại niềm đam mê khi chơi game, không những giúp tôi lấy lại được chính mình mà còn tạo cho tôi cơ hội việc làm. Giờ đây thì nghề của tôi đã gắn liền với thể thao điện tử, với vị trí mà ít người cho rằng ở tuổi 20 có thể đạt được.

Tôi tin với sự đầu tư và quan tâm đúng đắn, thể thao điện tử sẽ giúp thay đổi cái nhìn của đại bộ phận người dân khi nhìn về game và nền công nghiệp game Việt Nam cũng như có thể giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy được “đường về” như tôi.

Nguyễn Kim Long

Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...
 
Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai (2) giải thưởng dành cho hai (2) bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải Ba trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

Chương trình được tài trợ bởi:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.