U.21 dứt khoát là một giải “sạch”!

07/09/2011 00:02 GMT+7

16 giờ chiều nay tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) sẽ diễn ra cuộc họp báo vòng chung kết giải Bóng đá U.21 Báo Thanh Niên 2011, nhà báo Nguyễn Công Khế - Trưởng BTC giải U.21 đã trả lời phỏng vấn.

16 giờ chiều nay tại Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) sẽ diễn ra cuộc họp báo vòng chung kết giải Bóng đá U.21 Báo Thanh Niên 2011, nhà báo Nguyễn Công Khế - Trưởng BTC giải U.21 đã trả lời phỏng vấn.

Với tư cách trưởng BTC giải, xin ông cho biết giải U.21 đã phát triển như thế nào trong 15 năm qua?

Năm 1997, theo sự gợi ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được T.Ư Đoàn giao nhiệm vụ, Báo Thanh Niên đã đứng ra tổ chức giải U.21 (lúc đó gọi là U.22). Lần đầu tiên giải diễn ra tại Hà Nội, mời 8 đội tham gia thi đấu loại trực tiếp 2 lượt với tổng tiền thưởng rất cao lên đến hơn 500 triệu đồng, trong đó đội vô địch được 150 triệu đồng, cao hơn đội vô địch quốc gia nhận được thời điểm đó. Đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh và các thành viên Chính phủ khi đó đã dừng cuộc họp để ra sân Hàng Đẫy động viên các cầu thủ trẻ và xuống trao giải. Lúc đó, ban tổ chức đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để tổ chức giải.

 
Tích cực tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu - Ảnh: Khả Hòa

U.21 dứt khoát là một giải “sạch”, nên chúng tôi kiên quyết loại trừ mọi biểu hiện tiêu cực trong giải

Trưởng ban Tổ chức giải U.21 Nguyễn Công Khế

Sau đó, lần lượt hằng năm từ năm 1998 tại TP.HCM rồi đến Đà Nẵng (1999), quay về TP.HCM (2000) rồi ra lại Đà Nẵng (2001, 2002), giải đã thu hút được hơn 30 đội tham gia. Nhiều đội có sự đầu tư bóng đá trẻ tốt, mang nhiều cầu thủ có chất lượng đến sân chơi U.21 và từ giải bóng đá do Báo Thanh Niên khởi xướng và tổ chức đã phát hiện nhiều tài năng mới cho bóng đá Việt Nam như Phạm Văn Quyến, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Hữu Thắng...

Để tạo sự lan tỏa và khích lệ phong trào bóng đá trẻ ở các địa phương, từ năm 2003, giải U.21 bằt đầu được tổ chức tại các tỉnh chứ không còn tập trung ở các thành phố lớn, như An Giang (2003), Gia Lai (2004, 2010), Bình Định (2005), Khánh Hòa (2007), Bình Dương (2009, 2011)... Ở đâu giải cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền và người hâm mộ địa phương.

Kể từ năm 2007, để tạo cơ hội cọ sát, học hỏi cho các cầu thủ trẻ Việt Nam, giải U.21 phát triển lên tầm vóc mới, được mở rộng thêm giải quốc tế được Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) chính thức công nhận là giải mời quốc tế, đồng thời cử giám sát, trọng tài quốc tế sang điều hành. Từ 4 đội ban đầu trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Singapore, Myanmar và VN tranh tại Nha Trang, năm 2008 có thêm Iran tranh rất hào hứng tại Huế, năm 2009 có Trung Quốc thi đấu năng nổ làm cho khán giả Bình Dương hết sức phấn chấn, năm 2010 mở rộng số lượng đội thêm cho tuyển U.19 VN tham gia tạo nên cuộc rượt đuổi thú vị tại sân Thống Nhất (TP.HCM).

 

Còn năm 2011 ngoài Iran trở lại còn có Học viện Aspire của Qatar tham dự. Mỗi năm giải U.21 quốc tế phát triển mạnh mẽ, ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế, năm nay đội Thái Lan dù đã bận rộn với sự tham gia một lúc 3 giải cả quốc tế lẫn ở trong nước, cũng đã quyết định tham dự giải ở Việt Nam. Mặc dù tình hình kinh tế năm nay không khả quan, chúng tôi cũng đã mạnh dạn nâng tiền thưởng và mời những đội có chất lượng đến tham gia giải U.21 quốc tế lần này. Có thể đội Học viện Aspire của Qatar sẽ có một trận đấu bán vé từ thiện trên sân Ninh Thuận với đội U.21 Việt Nam sau khi giải U.21 quốc tế kết thúc, nhằm kích hoạt cho phong trào bóng đá trẻ ở địa phương.

Bóng đá VN thời gian qua vẫn còn không ít tì vết, bóng đá trẻ cũng bị ảnh hưởng phần nào từ các vấn nạn tại V-League. Vậy theo ông, liệu giải U.21 năm nay sẽ mang lại điều gì mới?

U.21 dứt khoát là một giải “sạch”, nên chúng tôi kiên quyết loại trừ mọi biểu hiện tiêu cực trong giải. Bất cứ biểu hiện phi thể thao nào, bất cứ những tính toán không trong sáng, thiếu trung thực nào cũng sẽ bị loại bỏ. Năm 2003 tại Long Xuyên, chúng tôi đã từng xử nặng sau trận bán kết SLNA - Đồng Tháp nên với U.21 phải là giải đấu mà tinh thần fairplay thể hiện hàng đầu.

Gần đây nhiều người than phiền chất lượng bóng đá nước nhà có đi xuống, đạo đức cầu thủ chưa thực tốt, nhiều trận đấu thật giả khôn lường. Đó là vấn nạn mà tất cả chúng ta phải có trách nhiệm, từng bước giải quyết để lấy lại niềm tin cho dư luận và chúng ta phải bắt đầu làm “sạch” từ các giải trẻ.

Bên lề

Hãng Adidas sẽ trao 25 đôi giày được sản xuất tại Đức cho đội tuyển U.21 VN được thành lập sau vòng chung kết U.21. Ngoài ra, các cầu thủ đạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc, Vua phá lưới, Thủ môn xuất sắc nhất vòng chung kết cũng sẽ được nhận giày Adidas trong buổi trao thưởng.

Bóng thi đấu VCK U.21 do Công ty thể thao Động Lực cung cấp. Ngoài ra, nước uống cho 2 giải U.21 quốc gia và quốc tế do Công ty cấp thoát nước môi trường Bình Dương, Aquafina và Sting của Công ty Pepsi-Co, Sanna của Công ty yến sào Khánh Hòa, Thạch Bích và Tân Hiệp Phát hỗ trợ.

Khu du lịch Đại Nam hỗ trợ cho BTC phòng họp báo, tiệc họp báo và tổng kết, 15 phòng ăn ở cho giám sát, trọng tài và tạo mọi điều kiện cho nhiều đội như SLNA, V&V United đến ở tại đây. Hôm qua, băng-rôn, phướn đã treo trên đường phố Bình Dương tạo không khí háo hức cho vòng chung kết U.21.

T.K

Quang Tuyến
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.