Bóng đá là như vậy!

26/03/2011 17:35 GMT+7

(TNO) Người ta bắt đầu ca ngợi Raul Gonzalez từ năm 1995, nghĩa là đúng 10 năm trước khi David Villa xuất hiện lần đầu tiên ở đội tuyển Tây Ban Nha (TBN). Khi ấy, Raul đã có tất cả những gì cần có của một siêu sao bóng đá, gồm cả 3 lần đăng quang ở Champions League.

David Villa vừa lập cú đúp giúp tuyển TBN vượt qua CH Séc ở vòng loại Euro 2012 - Ảnh: AFP

(TNO) Người ta bắt đầu ca ngợi Raul Gonzalez từ năm 1995, nghĩa là đúng 10 năm trước khi David Villa xuất hiện lần đầu tiên ở đội tuyển Tây Ban Nha (TBN). Khi ấy, Raul đã có tất cả những gì cần có của một siêu sao bóng đá, gồm cả 3 lần đăng quang ở Champions League.

Bây giờ, chỉ sau 6 năm với 72 lần khoác áo ĐTQG, Villa đã xô ngã kỷ lục ghi bàn của cho đội tuyển TBN của Raul. Villa vừa có các bàn thắng thứ 45 và 46 cho ĐTQG, ở trận thắng CH Czech 2-1 trong khuôn khổ vòng loại Euro 2012. Trước anh, Raul cần đến 102 lần khoác áo đội tuyển, trong vòng 10 năm, để có 44 bàn thắng.

Nghĩa là Villa có giá trị hơn Raul? Đây chính là chỗ mà các số liệu thống kê không nói lên được, cho dù người ta luôn phải nhìn vào các số liệu thống kê để so sánh đẳng cấp của các ngôi sao.

Vào thời của mình, Raul là “chúa nhẫn”. Không ai cạnh tranh nổi với anh, cả về danh tiếng lẫn khả năng chuyên môn. Hồi ấy, bóng đá TBN coi như chỉ có 1 tiền đạo. Trước Raul, kỷ lục ghi bàn cho đội tuyển TBN thuộc về Fernando Hierro, một… hậu vệ. Raul là cây làm bàn số 1 của Real Madrid, là thần đồng, là siêu sao đương nhiên có chỗ trong đội tuyển. Và khi đội tuyển TBN thi đấu thì mọi pha tấn công của họ đều hướng đến mục đích cuối cùng là đưa bóng vào chân của Raul, trong vùng cấm địa.

Villa không “sướng” như vậy. Anh phải cạnh tranh, phải nỗ lực tột bậc để vươn lên. Anh “lấy số” trong màu áo Valencia chứ không phải Real Madrid như Raul. Villa từng bị xem là cầu thủ khó ưa nhất tại Confederations Cup 2009, khi khoác áo TBN thi đấu mà tâm trạng luôn bị đè nén bởi không biết có được “thoát” khỏi Valencia khi mùa bóng mới bắt đầu hay không. Anh hậm hực, cau có, nhưng anh vẫn phải ghi bàn. Giá trị của Villa là ở chỗ ấy. Anh có kỹ thuật tốt, ghi bàn bằng cả 2 chân, lối chơi cũng sáng tạo. Raul thì chỉ làm vua trong vùng cấm địa.

Nhưng Villa chưa phải là tiền đạo có giá trị nhất của TBN những năm gần đây. Bởi đôi khi, số bàn thắng không nói lên nhiều điều. Hồi Indonesia thắng Campuchia đến 10-0 ở SEA Games 1995, đội tuyển Việt Nam phải chật vật lắm mới thắng nổi Campuchia ở giải ấy. Sau đó, Việt Nam thắng Indonesia 1-0, lọt vào bán kết, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử bóng đá nước nhà. Có tờ báo giật tít: “1-0 hơn 10-0”. Bóng đá là như vậy.

Vào đúng thời điểm TBN cần có bàn thắng nhất, như trận chung kết World Cup 2010 chẳng hạn, Villa lại không ghi bàn. Nói chung, phần lớn trong số bàn thắng mà Villa ghi được cho đội tuyển TBN đều không thật sự quan trọng. Đấy là lý do vì sao HLV Vincente Del Bosque vẫn luôn cần đến Fernando Torres. Chính Torres ghi bàn duy nhất trong trận chung kết giúp TBN vô địch Euro 2008. Ở trận chung kết World Cup 2010, Andres Iniesta ghi bàn duy nhất cho TBN.

Không có cơ hội do đồng đội tạo ra thì Villa hay Raul cũng đều mờ nhạt. Torres hơn cả Raul lẫn Villa ở chỗ ấy. Anh có thể tự tạo cơ hội. Anh cũng có kỹ thuật tốt, có tốc độ. Nhưng anh không gặp thời vì không phải là mắt xích chung trong hệ thống Tiki-taka của đội tuyển TBN. “Sát thủ” Torres giống như một ngôi sao không gặp thời. Đấy cũng là chỗ mà các số liệu thống kê chuyên môn không nói lên được. Bóng đá là như vậy.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.