Bóng đá và khoa học

10/09/2010 08:58 GMT+7

Không phải tự nhiên mà huyền thoại bóng đá Hà Lan Rob Rensenbrink bỗng chán ghét bóng đá, lui về ở ẩn và gần như không xuất hiện kể từ khi treo giày.

Không phải tự nhiên mà huyền thoại bóng đá Hà Lan Rob Rensenbrink bỗng chán ghét bóng đá, lui về ở ẩn và gần như không xuất hiện kể từ khi treo giày.

Có lần, cây bút David Winner cũng tìm ra được chỗ ở của Rensenbrink - một ngôi làng nhỏ gần Amsterdam để phỏng vấn. Hóa ra, Rensenbrink vẫn… bình thường, theo nghĩa ông chẳng lập dị như Diego Maradona hoặc Paul Breitner, cũng chẳng nghiện ngập đến nỗi khánh kiệt như Garrincha. Rensenbrink vẫn sống khỏe nhờ biết cách sử dụng đồng tiền kiếm được hồi còn là danh thủ bóng đá. Ông tận hưởng cuộc sống thanh bình ở vùng quê yên tĩnh, thích câu cá, và thỉnh thoảng vẫn… xem bóng đá qua truyền hình. Chỉ có điều, Rensenbrink nói rằng ông chán ghét cái kiểu nhìn và phân tích bóng đá bằng con mắt của nhà khoa học.

Chẳng phải là không có lý. Người viết đồ rằng khối nhà khoa học không chơi bóng đá nhưng sẵn sàng nói về bóng đá. Thế mới có chuyện một tờ báo chuyên về khoa học bỗng dựng lại pha ghi bàn nổi tiếng của Roberto Carlos 13 năm trước, chỉ để kết luận một cách “hỡi ôi” rằng đấy là pha ghi bàn có thể hiểu được, theo quan điểm khoa học (cứ như 13 năm qua, chẳng ai hiểu được là một quả bóng có thể bay theo quỹ đạo hơi cong như vậy). Bài báo ấy, và các tin tức nói về bài báo ấy, chắc ai thích xem bóng đá đều đã đọc rồi. Nhưng chẳng ai hiểu tường tận: tóm lại, chúng ta cần làm gì để sút được một quả như Roberto Carlos đã sút. Cần bao nhiêu lực, chạm bóng thế nào, hướng sút thế nào? Cũng chẳng thấy các nhà khoa học nói rõ: độ cong của đường bóng phải đạt đến mức độ nào thì mới vượt ra ngoài phạm vi khoa học có thể lý giải, theo những công thức và số liệu nào.

Nếu Roberto Carlos sút lại, hoặc nếu các siêu sao khác cũng sút như Roberto Carlos, thì liệu có bảo đảm thành bàn lần nữa? Đấy chính là chỗ bóng đá thách thức khoa học. Triết học may ra nói được phần nào. Trong hàng tỉ con người trên thế giới này, chẳng ai giống ai. Cũng như trong hàng tỉ pha bóng từng xảy ra trên khắp thế giới, không có tình huống nào hoàn toàn giống tình huống nào.

Thôi cứ cho rằng đấy là chuyện cũ. Chuyện mới như sau: hậu vệ Đức Holger Badstuber nói rằng anh cao 1,89m nên không nhanh nhẹn như Philipp Lahm hoặc… Roberto Carlos. Đã vậy, chiều cao làm cho trọng tâm cơ thể cũng cao và khi dẫn bóng, anh khó dùng thân trên để đảo người, đánh lừa đối phương. Sở dĩ kỹ thuật lừa bóng của Cristiano Ronaldo vẫn không sánh được với các ngôi sao Nam Mỹ, như Robinho, cũng là bởi Ronaldo cao và không giỏi đảo người (lừa bóng bằng thân trên là cách lừa hiệu quả nhất, xét về mặt chuyên môn). Mặt khác, Badstuber thuận chân phải nên khi dẫn bóng tấn công ở cánh trái thì anh không thể tạt bóng lúc đạt đến tốc độ cực đại (đấy là điều kiện quan trọng để có một quả tạt nguy hiểm). Tóm lại, vì tất cả những điều ấy mà Badstuber khẳng định: anh đá trung vệ thì thành công hơn so với vị trí hậu vệ trái. Giới chuyên môn - trong đó có HLV Joachim Loew của đội tuyển Đức - hoàn toàn tán đồng. Mở rộng vấn đề: cầu thủ… lùn thường đá cánh dễ hơn cầu thủ cao to (nhìn vào thực tế, sẽ thấy ngay).

Đấy là khoa học chứ là gì nữa? Hiểu biết về khoa học dĩ nhiên là rất có lợi, trong bóng đá cũng như trong bất cứ lĩnh vực nào khác. Vấn đề ở đây chỉ là: người ta hơn nhau ở chỗ biết cách tận dụng khoa học thay vì làm nô lệ cho khoa học.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.