Chẳng có gì ầm ĩ

10/08/2010 08:55 GMT+7

Giới bình luận tại Anh mỉa mai: đội bóng “Tam sư” sụp đổ tại World Cup 2010 vì phải đối đầu với các trung vệ của Algeria hoặc Mỹ thay vì “được” tấn công vào cỡ trung vệ như John Terry.

Giới bình luận tại Anh mỉa mai: đội bóng “Tam sư” sụp đổ tại World Cup 2010 vì phải đối đầu với các trung vệ của Algeria hoặc Mỹ thay vì “được” tấn công vào cỡ trung vệ như John Terry.

Bằng chứng: Wayne Rooney trở thành thiên tài khi đối đầu với Terry trong trận tranh Siêu cúp Anh. Đấy chỉ là một trong khá nhiều cách bình luận độc đáo, liên tục xuất hiện trên mạng, khi trận tranh Community Shield diễn ra trong đêm Chủ nhật...

Người viết không phải là dân Anh nên cũng chẳng có gì lạ nếu không hiểu thấu đáo về tinh thần của bóng đá Anh. Thế nên, đành phải vừa xem trận tranh Siêu cúp vừa hy vọng sẽ được các chuyên gia danh tiếng ở Anh giảng giải vì sao Community Shield cho phép mỗi đội thay đến 5 cầu thủ. Điều lệ kỳ lạ ấy hẳn phải có chỗ độc đáo, chỉ được nghĩ ra ngay trên quê hương bóng đá, giống như chuyện chỉ có người Anh nghĩ ra cách chấm điểm 3 cho một trận thắng để cả thế giới noi theo? Hy vọng được nghe một câu giải đáp đến tận ngọn ngành nhưng rút cuộc không thành. Thôi đành trở lại với những suy nghĩ thông thường: một trận đấu có đến 10 lần thay người chỉ trong 90 phút, dứt khoát không thể là trận nghiêm túc, thiên về hội hè hơn là bóng đá đỉnh cao.

Cũng có thể sai. Nhưng nếu Community Shield quả thật chỉ là cữ dượt trên danh nghĩa tranh Siêu cúp, thì những sự ca ngợi Rooney hoặc giễu cợt Terry, Ashley Cole hóa ra đều là vô nghĩa. Mà nói thật, số đông có lẽ cũng sẽ tán đồng: đấy không thật sự là một trận đấu đỉnh cao. Ashley Cole kém thật, nhưng đã có ai lập tức thể hiện được 100% phong độ ở thời điểm này?

Cái “bệnh” phóng bút, dĩ nhiên ở đâu cũng có, nhưng hình như đặc điểm này trong làng báo Anh rõ hơn bất cứ nơi nào. Chelsea không đến nỗi yếu như những gì họ vừa thể hiện trong trận thua M.U. Và Rooney – ngôi sao từng nhồm nhoàm nhai kẹo cao su khi lên sân khấu lĩnh giải ở Anh nhưng chưa bao giờ có được giải nào danh giá trong các cuộc bầu chọn không do người Anh bỏ phiếu – cũng không xuất sắc như những gì người ta vừa ca ngợi. Cá nhân Rooney chỉ là một dẫn chứng cụ thể thôi. Hai mươi năm nay, đội tuyển Anh chưa bao giờ thành công ở các giải lớn, cũng chẳng có ngôi sao nào thật sự tỏa sáng ở mức độ toàn cầu – trừ “thần đồng” Michael Owen lóe sáng trong năm 2001. Nhưng hãy nhớ lại: đã bao nhiêu lần báo chí Anh tung hô John Terry, Rio Ferdinand, Sol Campbell, Tony Adams là các trung vệ hay nhất thế giới; Gerrard, Lampard, Scholes, Ince, Platt, Gascoigne là tiền vệ hay nhất thế giới; Shearer, Rooney, Sheringham là tiền đạo hay nhất thế giới?

Người Anh thất vọng về đội tuyển Anh tại đấu trường World Cup vì họ nghĩ rằng đội Anh là ứng cử viên vô địch. Người Ý, người Brazil, người TBN hoặc người Hà Lan có nghĩ như thế hay không lại là chuyện khác.

Cũng có thể báo chí Anh cố ý đưa những Terry, Gerrard, Lampard lên tận mây xanh vì mục đích riêng. Không có nơi nào khác mà ngành kinh doanh bóng đá lại hốt bạc dữ dội như ở nước Anh. Thôi thì, cứ “bốc” cho hay để dân ghiền bóng đá có chỗ để hào hứng, âu cũng là sự giải trí tốt đẹp. Điều đáng nói là giá trị chuyên môn thật sự của bóng đá Anh đôi khi khác xa với cách bình luận trong làng báo Anh. Sự thật là trận đấu vừa qua ở Community Shield chẳng có gì ầm ĩ.

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.