Chỉ còn 13, hay còn đến 13?

16/10/2010 08:31 GMT+7

Theo cây bút nổi tiếng Gabriel Marcotti thì trong số 50 tài năng trẻ đáng xem nhất trên thế giới mà tạp chí World Soccer giới thiệu cách đây 3 năm, chỉ có 13 cầu thủ đã hoặc đang trở thành ngôi sao.

Theo cây bút nổi tiếng Gabriel Marcotti thì trong số 50 tài năng trẻ đáng xem nhất trên thế giới mà tạp chí World Soccer giới thiệu cách đây 3 năm, chỉ có 13 cầu thủ đã hoặc đang trở thành ngôi sao.

Đó là Pato, Sergio Aguero, Angel Di Maria, Gareth Bale, Karim Benzema, Fabio Coentrao, Marouane Fellaini, Toni Kroos, Mesut Ozil, Alexis Sanchez, Ivan Rakitic, Gregory van der Wiel, Theo Walcott. Chín cầu thủ khác có lúc thăng, lúc trầm, chưa dễ khẳng định họ sẽ thành công hay thất bại. Anderson, Bojan Krkic hoặc Micah Richard nằm trong số này. Còn lại là hơn nửa danh sách đã chìm vào quên lãng.

Cứ tạm đồng ý về con số 13 nêu trên, bởi đây không phải là chuyện đúng hay sai (bạn có quyền cho rằng Rakitic không đáng gọi là thành công, hoặc Benzema đã là ngôi sao trước khi được World Soccer xếp vào diện có triển vọng hồi năm 1997). Vấn đề là ở chỗ: chỉ có 13 tài năng trẻ trở thành ngôi sao, hay có đến 13 tài năng trẻ vươn lên thành sao? Hình như 13 đã là quá nhiều. Trong thời buổi mà google hoặc wikipedia làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng này, bạn có thể tham khảo bất cứ lúc nào, xem các tài năng trẻ từng vô địch giải FIFA U.20 World Cup bây giờ ra sao. Hai năm một lần, FIFA giới thiệu gần 50 tài năng trẻ (kể cả cầu thủ dự bị) trong trận chung kết giải U.20 thế giới. Đấy là chưa kể các lứa tuổi khác. Xem lại sẽ biết, tỷ lệ tài năng trẻ “thi đỗ” thành ngôi sao thế giới là bao nhiêu.

Từ khi Diego Maradona đá trận cuối cùng trong màu áo một CLB châu Âu (tại Sevilla, năm 1993), Argentina đã có khoảng hai chục “Maradona mới”. Dĩ nhiên là không bao giờ có một Maradona nào khác. Điều quan trọng là: đã có bao nhiêu “Maradona mới” bị đè bẹp bởi chính cái áp lực nặng nề, đến từ những lời khen ngợi khi họ còn trẻ? Áp lực không phải là thứ duy nhất mà một cầu thủ trẻ xuất sắc phải chịu đựng. Sự thay đổi môi trường từ bóng đá trẻ sang bóng đá nhà nghề cũng có thể làm cho tài năng trẻ bị thui chột. Họ “bị” chờ đợi quá đáng, bị ganh ghét, phải chịu chấn thương, định hướng sai lầm… Cũng như mọi lĩnh vực khác trong cuộc sống, còn phải chờ xem Nữ thần May Mắn phán quyết thế nào nữa. Và cũng không loại trừ việc chính các tài năng trẻ bị giới quan sát đánh giá sai (nghĩa là thật ra, họ chẳng có tài năng đặc biệt gì).

Với ngần ấy sự đe dọa, và với quy luật sàng lọc gắt gao trong cuộc sống (bóng đá chuyên nghiệp lại càng khốc liệt), 10% tài năng trẻ thực sự trở thành ngôi sao thế giới là đã quá nhiều rồi. Có khi, họ bị đào thải không phải vì bóng đá. Ryan Giggs chỉ rõ: có bao nhiêu cậu bé đôi mươi kiểm soát được vấn đề tài chính của mình khi lĩnh mức lương hàng triệu bảng một năm? Khoan nói trở thành ngôi sao bóng đá, có khi tài năng trẻ thậm chí không thể trở thành một người đàng hoàng trong thế giới đầy cạm bẫy của tiền bạc.

Hóa ra, tờ World Soccer kể cũng xứng danh tạp chí bóng đá hàng đầu thế giới, khi từ bản danh sách 50 tài năng trẻ mà họ giới thiệu cách đây 3 năm, có đến 13 cầu thủ trở thành ngôi sao thật sự. Thế là chọn quá chuẩn rồi. Giới hâm mộ bóng đá quốc tế cần thấy rõ sự khó khăn khi một cầu thủ trẻ muốn vươn mình thành ngôi sao thế giới, để không thường xuyên thất vọng.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.