Chỗ đáng sợ của sự tâng bốc

11/04/2010 10:06 GMT+7

Khi bình luận viên muốn khen một cầu thủ mà không tìm ra được chi tiết cụ thể nào để tâng bốc, thì cách quen thuộc thường được sử dụng là kiểu bốc phét rỗng tuếch: “Anh ta có lối chơi… rất Messi”, “Đội chủ nhà hôm nay trình diễn một phong cách… rất M.U”.

Khi bình luận viên muốn khen một cầu thủ mà không tìm ra được chi tiết cụ thể nào để tâng bốc, thì cách quen thuộc thường được sử dụng là kiểu bốc phét rỗng tuếch: “Anh ta có lối chơi… rất Messi”, “Đội chủ nhà hôm nay trình diễn một phong cách… rất M.U”.

Thỉnh thoảng phải nghe hay đọc những câu như vậy, cũng chẳng sao! Căn bệnh sáo rỗng ấy đã tồn tại lâu nay, từ tây sang ta, và không chừa bất kỳ lĩnh vực nào.

Ngày mai (12.4), bên Anh có một cuộc bán đấu giá ngộ nghĩnh. Hàng “độc” là những bức tranh tự họa của 40 cầu thủ và HLV nổi tiếng ở Premier League. Drogba, Lampard, Gerrard, Rooney, thôi thì đủ cả. Tất nhiên, bạn sẽ không nỡ chê một cầu thủ vẽ kém. Cuộc bán đấu giá những bức tranh tự họa ấy, suy cho cùng, chắc không liên quan nhiều đến lĩnh vực chuyên môn của hội họa. Tranh của Drogba vẽ ra đương nhiên phải khác tranh của một người “vô danh tiểu tốt”, và chỗ khác biệt lớn lao lại không nằm ở kỹ thuật vẽ hoặc ý tưởng hội họa, thế thôi!

Nhưng vẫn có chút bực mình, khi đọc khoảng chục nguồn tin liên quan đến sự kiện bên lề này và thấy rằng ít nhất có đến phân nửa phóng bút: Rooney không chỉ là một nghệ sĩ tài ba trên sân cỏ, anh ta còn thể hiện đẳng cấp nghệ sĩ trong hội họa! Một giáo sư đã phát biểu sau khi xem tranh tự họa của Rooney: “Rất Picasso”! Và bây giờ, cả thế giới đang kháo nhau: Rooney là Picasso của Premier League đấy!

Xin lỗi, ngay trong cái lĩnh vực vô địch của mình, tức lĩnh vực bóng đá, Rooney đã là nghệ sĩ hay chưa cũng còn phải bàn. Chuyện này lại khiến người viết nhớ đến cuốn tự truyện mà Rooney ký hợp đồng độc quyền với giá kếch sù, cho phép nhà xuất bản nổi tiếng nọ khai thác đề tài về cuộc đời Rooney. Cuốn tự truyện có 5 tập. Tập đầu xuất bản khi Rooney mới 20 tuổi, trong đó có những đoạn cầu thủ từng là học sinh yếu này (chính Rooney thừa nhận như thế) nói về triết lý, về lẽ sống, bình phẩm về giá trị con người của HLV này hoặc HLV khác. Người ta trả tiền để moi từ miệng ngôi sao Rooney những nhận xét về HLV Ferguson đáng tuổi ông nội Rooney, rồi quảng cáo trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về cuốn sách “đáng đọc” ấy!

Thôi thì, cũng chỉ là chuyện làm ăn, trong cái thế giới bóng đá đỉnh cao mà ai cũng gọi là con gà đẻ trứng vàng. FIFA còn có bao nhiêu trò lố bịch chỉ vì quá ham kiếm tiền với World Cup, người ta có bán thêm vài tờ báo hoặc cuốn sách nhờ Rooney thì cũng là điều bình thường. Điều đáng bàn ở đây là: đôi khi có những hệ quả không tốt mà nguyên nhân nằm ở những lời khen sai, chứ chẳng phải vì nhân vật chính không giỏi. Có câu hát “Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở, nhưng người khen nhiều và thật nhiều…”. Cái “tội” đôi khi thuộc về chính những lời khen như vậy, còn chuyện nhân vật trong bài hát nọ “ca không hay”, hoặc sự thật là Rooney vẽ dở, đều không phải là “tội”.

Chuyện Rooney bị đuổi ở World Cup 2006 có phải là hệ quả từ chuyện ngay trước đó, người ta đã trả tiền để được nghe cầu thủ 20 tuổi này giảng về bóng đá? Hình ảnh Rooney nhồm nhoàm nhai kẹo cao su khi chuẩn bị lĩnh giải trên sân khấu có phải là hệ quả từ chuyện người ta trả tiền để nghe Rooney giảng về cách sống? Bóng đá xứ ta cũng không thiếu gì những chuyện như thế.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.