Chuyện nợ của nhà giàu

17/01/2010 08:39 GMT+7

Không bàn những chuyện mà bản thân mình chưa hiểu một cách thấu đáo, đấy là nguyên tắc không dễ tuân theo, trong cuộc sống nói chung chứ chẳng cứ gì trong bóng đá.

Không bàn những chuyện mà bản thân mình chưa hiểu một cách thấu đáo, đấy là nguyên tắc không dễ tuân theo, trong cuộc sống nói chung chứ chẳng cứ gì trong bóng đá.

Suốt tuần qua, báo chí khắp nơi nói mãi về những con số khổng lồ khi họ được nghe tình trạng nợ nần của M.U – một trong hai đội bóng giàu nhất thế giới, cùng Real Madrid. Người ta nói nhiều đến nỗi độc giả thể thao, nếu quan tâm vấn đề này, cũng khó mà biết M.U nợ 500 triệu hay 700 triệu bảng, từ những núi thông tin khác nhau. Nợ đến nỗi M.U có thể phải bán sân bóng!

500 triệu hay 700 triệu? Đấy không phải là chi tiết quan trọng để người viết thừa nhận là mình không hiểu cặn kẽ về chuyện nợ nần của M.U. Vì sao một “chúa chổm” nợ đến mức có thể dùng đơn vị “tỷ bảng” để tính, vẫn không hề sập tiệm? Mà với trường hợp M.U, rõ ràng là họ càng ngày càng giàu to chứ đâu thấy nguy cơ vỡ nợ? Đấy là những chi tiết mà có lẽ, trong lúc phóng bút, báo chí đã hơi quá đà đặt ra những vấn đề quá xa rời thực tế đối với CLB bóng đá vào loại giàu mạnh và nổi tiếng nhất thế giới này. Gia đình Glazer, sở hữu chủ của M.U, là những “con đỉa hút máu”? M.U đáng bị loại khỏi Champions League vì dùng tiền vay để mua các ngôi sao đáng lẽ không thuộc về họ?

Trong thời buổi này, chỉ một hợp đồng chuyển nhượng giá vài triệu bảng, người ta cũng đã bàn kỹ cách thức thanh toán, thường chia làm nhiều lần trả. Mua một cầu thủ 4 triệu bảng với bản hợp đồng có thời hạn 4 năm thì phương thức thanh toán “mẫu” là trả làm 4 lần trong suốt khoảng thời gian ấy (mỗi năm trả 1 triệu). Cách này giúp bạn giữ được tiền lãi ngân hàng của 3 triệu bảng trong năm kế tiếp, tiền lãi của 2 triệu trong năm sau đó, và tiền lãi của 1 triệu bảng trong năm cuối cùng. Lợi hơn là trả dứt điểm 4 triệu sau khi ký hợp đồng. Còn chỗ lợi ấy là nhiều hay ít, tùy vào mức độ giàu có của người nghe chuyện mà phán. Nhưng trên mặt báo, người ta có thể chỉ biết: đội bóng ấy đang nợ 3 triệu, và chỉ hy vọng trả xong món nợ ấy trong 3 năm nữa!

Đấy chỉ là ví dụ nhỏ. Đặt con số 0,7 tỷ bảng tiền nợ của M.U vào ví dụ ấy, chúng ta thấy ngay tiền lãi ngân hàng sẽ là con số khổng lồ như thế nào, nếu đấy là số nợ phải trả trong vòng 10 năm (chứ không phải trả dứt điểm trong ngày mai). Giới hâm mộ M.U có thể phẫn nộ khi thấy đội bóng “của họ” đang nợ ngập cổ, vì bị các thông tin trên mặt báo đánh lừa. Đối thủ cũng phẫn nộ khi cho rằng M.U dùng tiền nợ để chiêu mộ lực lượng. Báo chí đâu có nói rõ M.U nợ như thế nào, vì sao chưa trả, càng không nói họ là chủ nợ của những ai, đang “bị” những chỗ khác nợ lại bao nhiêu.

Chẳng phải không nói. Người viết đồ rằng tác giả các loại tin, bài nói về số nợ của M.U cũng chẳng hiểu rõ toàn bộ vấn đề. Sổ sách kế toán của CLB vĩ đại nhất thế giới đâu phải là thứ mà ai cũng có quyền nhìn vào, chưa nói chuyện nhìn và hiểu! Ở Ý, chỉ có “cảnh sát thuế” – quyền lực hơn cảnh sát bình thường, mới thi thoảng được phép nhìn vào tài khoản ngân hàng của một đội bóng như Juventus, trong các chiến dịch đặc biệt. Ở Brazil, quyền lực tương tự chỉ thuộc về Quốc hội!

Thôi cứ bàn chuyện lối chơi của Rooney hoặc Berbatov, hay hơn và hợp lý hơn!

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.