Chuyện về phái đoàn FIFA ở Anh

25/08/2010 08:38 GMT+7

Trong những ngày này, phái đoàn FIFA đang có mặt tại Anh để “mục sở thị” lần cuối trước khi làm bản báo cáo về tình trạng sân bãi của nước này. Anh cùng với Nga, TBN/BĐN, Hà Lan/Bỉ, và cơ man các “ứng viên phụ” như Úc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Qatar đang tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Trong những ngày này, phái đoàn FIFA đang có mặt tại Anh để “mục sở thị” lần cuối trước khi làm bản báo cáo về tình trạng sân bãi của nước này. Anh cùng với Nga, TBN/BĐN, Hà Lan/Bỉ, và cơ man các “ứng viên phụ” như Úc, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Qatar đang tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018.

Cuối năm nay, FIFA sẽ quyết định đâu là nước chủ nhà World Cup sau Brazil 2014. Nghĩa là chỉ còn hơn 3 tháng nữa để các ứng cử viên tăng tốc trong công đoạn cuối cùng của quá trình vận động.

Nói như Andrew Warsaw trên Soccernet thì đây là những ngày cực kỳ quan trọng đối với nước Anh, khi phái đoàn FIFA lần lượt thăm thú cơ sở vật chất ở London, Newcastle, Sunderland, Manchester. Người Anh có thể làm đẹp lòng các quan chức FIFA, như Danny Joordan. Nhưng các quan chức đánh giá ra sao về điều kiện kỹ thuật của nước Anh lại là chuyện khác. Thế nên, quê hương bóng đá vô cùng hồi hộp? Còn khuya!

Chẳng thấy bóng dáng của thủ tướng Anh David Cameron khi phái đoàn FIFA đến thăm và đánh giá cơ sở vật chất tại Anh. Mà cũng chẳng có công cán đặc biệt gì, thủ tướng Cameron đơn giản là không muốn cắt ngắn kỳ nghỉ hè. Hồi phái đoàn FIFA đến Nga, thủ tướng Vladimir Putin đã lập tức về nước để đón tiếp. Đấy là khác biệt lớn, giúp Nga lấy điểm trong cuộc đua với Anh? Gượm đã…

Không phải chỉ có thủ tướng Cameron vắng mặt. Hai trụ cột khác trong nỗ lực tranh quyền đăng cai World Cup của Anh là Hoàng tử William và David Beckham cũng chẳng ngó ngàng gì đến phái đoàn FIFA. Hoàng tử William đang thực thi nghĩa vụ quân sự. Beckham thì đang tập (chứ chẳng phải thi đấu) ở CLB LA Galaxy. Ngay cả… bạch tuộc Paul mà giới bóng đá Anh đang muốn nhờ vả cũng vắng mặt nốt.

Tất nhiên, các nhân vật chính của Anh không phải cố ý né tránh phái đoàn FIFA làm gì. Chẳng qua, họ thấy không cần xuất hiện, và nói vậy không có nghĩa là quê hương bóng đá không muốn tổ chức World Cup 2018. Người Anh bình chân như vại đơn giản vì không có quan chức nào trong phái đoàn FIFA hiện đang ở Anh có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đầu tháng 12. Nếu cần “lo” thì phải “lo” cho 24 quan chức sẽ bỏ phiếu, tiếp đón nồng hậu phái đoàn do trưởng ban tổ chức World Cup 2010 Danny Joordan cầm đầu, phỏng có ích gì? Đấy chỉ là thủ tục, tức những gì người ta có thể thấy rõ trước mắt. Chuyện trước mắt mà đã không thấy, huống hồ là những chuyện hậu trường hấp dẫn trong cái ổ chính trị FIFA?

Mặt khác, công việc mà phái đoàn FIFA đang làm ở Anh trong những ngày này chỉ thuần túy thuộc về lĩnh vực chuyên môn. Chẳng lẽ phải có thủ tướng Cameron hoặc David Beckham thì sân Wembley hoặc Old Trafford mới được đánh giá là đủ điều kiện tổ chức World Cup? Ngược lại, chẳng lẽ vì thủ tướng Nga Putin đón tiếp nồng nhiệt mà SVĐ Luzhniky được đánh giá là tốt hơn sân Wembley? Xem thì cứ xem. Nếu đấy là sân bãi của Nam Phi cách đây 5-7 năm, đúng là cũng cần xem thật.

Người Anh quả cũng bất lợi trong vài khía cạnh, chẳng hạn họ đã mất điểm trong sự kiện Lord Triesman phải từ chức chủ tịch FA vì những phát biểu liên quan đến nghi vấn hối lộ. Nhưng đấy là chuyện khác. Ai sẽ thắng trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 thì chỉ có 24 vị chóp bu trong hàng ngũ FIFA biết mà thôi. Và chỗ này thì chắc là, trên thực tế, độc lập với điều kiện sân bãi của các ứng viên.

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.