Công Phượng đi ‘du học’, bầu Đức đạt nhiều mục đích

02/11/2015 08:48 GMT+7

(TNO) Chân sút của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại chuẩn bị thi đấu ở nước ngoài nhưng Công Phượng lại là lần đầu tiên sang Nhật đá bóng nhờ tài năng.

(TNO) Chân sút của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không phải là cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại chuẩn bị thi đấu ở nước ngoài nhưng Công Phượng lại là lần đầu tiên sang Nhật đá bóng nhờ tài năng.

Công Phượng rất hào hứng được sang đá bóng tại Nhật Bản - Ảnh: Quốc Anh

Không phải đến bây giờ, cầu thủ xuất thân từ Học viện HAGL Arsenal JMG mới nhận được lời mời từ những CLB nước ngoài, chủ yếu là Nhật và Hàn Quốc nhận về chơi bóng. Tuy nhiên, mãi đến sau khi Công Phượng đã trải qua một mùa bóng ở V-League, bầu Đức mới chịu cho tài năng 20 tuổi này di “du học”.

Điểm đến của Công Phượng là CLB Mito Hollyhock hạng nhì của Nhật với điều kiện… không rớt xuống hạng ba. Mức chuyển nhượng hơn 2 tỉ đồng và tiền lương tháng hơn 60 triệu đồng cho Công Phượng không phải là cao ở Nhật nhưng cái anh nhận về còn nhiều hơn thế.

Ngoài ra, việc chân sút phố núi “du học” không phải là một hợp đồng mang tính chất đổi chác thương mại mà thực sự CLB Mito Hollyhock cần anh, sau nhiều lần xem và cử người theo dõi ở các giải U-19 Đông Nam Á, châu Á lẫn các trận giao hữu có đội tuyển trẻ của Nhật.

Nó khác hoàn toàn với cái thời của Huỳnh Đức sang đầu quân cho Lifan (Trung Quốc) để mang về những chiếc xe máy đặc chủng cho ngành công an hoặc Công Vinh đá giải hạng hai Bồ Đào Nha do ông Calisto giới thiệu vẫn ngồi mòn ghế dự bị tại CLB Leixoes. Hoặc sau này Công Vinh có qua Nhật khoác áo Sapporo nghe mùi… bia nhiều hơn nhờ sức.

Bóng đá Việt Nam còn ghi nhận hai cầu thủ Lương Trung Tuấn sang đá giải Thái Lan và Nguyễn Việt Thắng chơi bóng ở Bồ Đào Nha chỉ nhằm duy trì phong độ lẫn “né” án phạt treo giò trong nước.

Công Phượng tại phòng thay đồ của CLB Mito Hollyhock - Ảnh: Quốc Anh

Lần này vẫn chưa thể phán đoán Công Phượng sẽ thành công ở Nhật Bản, nhưng khi cái “mũi tên” này bắn ra, bầu Đức đã trúng nhiều đích.

Thứ nhất, ông không còn lo tài năng của “gà nòi” mình thui chột ở V-League mà như chân sút này thường chia sẻ mỗi lần ra sân, anh phải nghĩ đến cách… né đòn. Không phải ngẫu nhiên mà Công Phượng sau khi xem trận chung kết cúp quốc Nhật giữa Gamba Osaka và Kashima Antlers đã hào hứng chia sẻ 90 phút rất quyết liệt không có pha vào bóng ác ý nào của cầu thủ đôi bên.

Thứ nữa, việc tiền đạo Công Phượng du học Nhật Bản một thời gian sẽ tránh đi nhiều mối quan tâm có khi quá đáng của nhiều giới về nhất cử nhất động trên sân cỏ lẫn sinh hoạt đời thường đều phải dè dặt nhìn trước ngó sau.

Cuối cùng là trình độ các cầu thủ Mito Hollyhock chắc chắn cao hơn rất nhiều mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam như ông Miura từng nhìn nhận chẳng khác gì bóng đá phong trào của Nhật.

Chưa thể nói bầu Đức đã thành công với lứa cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG mà ông rất kỳ vọng sau lần thất vọng khi bị người ta “bẻ” nghị quyết VFF về việc đầu tư trọng điểm cho mục tiêu vô địch SEA Games. Tuy nhiên, bầu Đức không chịu dừng lại qua việc tung các cầu thủ giỏi của mình đi “du học” ở các nền bóng đá phát triển nếu không bổ ngang cũng bổ dọc.

Hiệu ứng từ Công Phượng cùng thương vụ của Tuấn Anh có thể khoác áo Yokohama và một số cầu thủ khác của HAGL rục rịch đi “du học” nước ngoài sẽ giúp bóng đá Việt Nam nâng lên một tầm cao mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.