Cuộc đua 4x100m là cả một nghệ thuật

11/08/2012 18:02 GMT+7

(TNO) Bốn cô gái người Mỹ đã vừa tạo nên một kỳ tích khi phá kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 4x100m tiếp sức. Sự phối hợp của họ để làm nên kỳ tích đó là cả một nghệ thuật.

(TNO) Bốn cô gái người Mỹ đã vừa tạo nên một kỳ tích khi phá kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 4x100m tiếp sức. Sự phối hợp của họ để làm nên kỳ tích đó là cả một nghệ thuật.

>> David Rudisha phá kỷ lục thế giới ở cự ly chạy 800m nam
>> Điền kinh Mỹ lên tiếng ở Olympic 2012
>> Nhìn lại những vụ scandal tại Olympic 2012

Đội điền kinh My phá kỷ lục thế giới ở nội dung 4x100m tiếp sức nữ
Các VĐV Mỹ vừa tạo nên kỳ tích khi phá kỷ lục thế giới - Ảnh: Reuters

Chạy 100m không phải là sở trường của Tianna Madison. Vận động viên (VĐV) này chuyên chạy 60m (ở các giải điền kinh trong nhà) và… nhảy xa. Tương tự, thế mạnh số 1 của Allyson Felix là chạy 200m và 400m.

Tuy nhiên, khi đứng chung trong đội tiếp sức 4x100m của Mỹ, theo một thứ tự vô cùng khoa học, bộ tứ Madison, Felix, Bianca Knight và Carmelia Jeter đã bất ngờ đánh bại đội thủ đáng gờm Jamaica, không chỉ đoạt HCV Olympic London 2012 mà còn xô ngã kỷ lục thế giới với cách biệt đến hơn nửa giây. Đấy là một kỳ tích.

Mỹ từng thắng Jamaica để đoạt HCV 4x100m nữ tại giải vô địch thế giới năm 2011. Nhưng khi ấy, VĐV xuất phát của Mỹ là Knight, và cô thua hẳn VĐV xuất phát trong đội hình Jamaica, Shelly Ann Fraser-Pryce. Tại London, Knight chuyển sang chạy ở chặng 3, ngay trước niềm hy vọng số 1 trong đội Mỹ là Jeter - một VĐV chạy nước rút thuần túy.

Tuy Fraser-Pryce là nhà vô địch 100m nữ tại Olympic London, nhưng cô đã không thắng nổi người xuất phát trong đội hình Mỹ là Madison. Cuộc đua coi như ngã ngũ ngay sau chặng 1 (Mỹ sẽ thắng Jamaica). Phần còn lại chỉ là thành công tiếp theo cho các cô gái Mỹ: phá luôn kỷ lục thế giới.

Trong môn điền kinh, người ta gọi cuộc đua 4x100m là cả một… nghệ thuật. Khác biệt rõ ràng: Jamaica để niềm hy vọng số 1 của họ chạy ngay chặng đầu trong khi Mỹ để ngôi sao số 1 “khóa đuôi”. Khác biệt này nói lên điều gì?

Allyson Felix trong cuộc đua 4x100m tiếp sức nữ
Tianna Madison (phải) trao gậy gọn gàng cho Allyson Felix - Ảnh: Reuters

Ở chặng cuối cùng, Jeter hầu như không phải băn khoăn về bất cứ điều gì khác hơn là tập trung tinh thần vào việc bung hết tốc độ sở trường. Cô chỉ nhận gậy. Mà trong vấn đề trao - nhận gậy thì trách nhiệm của người trao luôn cao hơn. Người nhận chỉ việc đưa tay ra sau, còn người trao phải có trách nhiệm đặt gậy thật chính xác vào tay đồng đội.

Kỹ thuật trao gậy phải diễn ra nhịp nhàng, chỉ trong hơn 1 giây, ở tốc độ cực đại, và tốc độ giữa người trao với kẻ nhận lại không giống nhau. “Nghệ thuật” là ở chỗ này. Các VĐV chạy ở chặng 2, chặng 3 đều phải nhận và trao gậy, còn chặng 1 chỉ trao, chặng 4 chỉ nhận dễ hơn cả. Ngoài ra, người ta còn phải tính đến khả năng chạy đoạn cong và đoạn thẳng khác nhau.

“Chuyên gia nhảy xa và chạy 60m” Madison được giao chặng xuất phát vì cô rất cẩn thận (bảo đảm xuất phát thành công), cũng vì đấy là chặng duy nhất chỉ phải chạy… đúng 100m. Các VĐV sau đó đều chạy nhiều hơn (thường là khoảng 125m) vì họ phải xuất phát trước thời điểm trao, nhận gậy.

Việc dùng “chuyên gia 200m” Allyson Felix ở chặng 2 cũng là quyết định tuyệt vời của đội Mỹ. Ngay cả việc tính toán tay thuận, liên quan đến từng chặng đua, cũng đã được đội tuyển 4x100m Mỹ tính toán rất kỹ.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.