Đã đến lúc xóa bỏ thị trường chuyển nhượng cầu thủ?

10/08/2013 10:34 GMT+7

(TNO) Mỗi mùa hè trong bóng đá lại chứng kiến những câu chuyện dài ly kỳ về chuyển nhượng cầu thủ. Mùa hè này, đình đám nhất là những chuyện liên quan đến Gareth Bale, Wayne Rooney, Luis Suarez và Robert Lewandowski.

(TNO) Mỗi mùa hè trong bóng đá lại chứng kiến những câu chuyện dài ly kỳ về chuyển nhượng cầu thủ. Mùa hè này, đình đám nhất là những chuyện liên quan đến Gareth Bale, Wayne RooneyLuis Suarez và Robert Lewandowski.

>> Gareth Bale sắp phá kỷ lục thế giới về chuyển nhượng
>> Các đội bóng Premier League chi mạnh tay cho chuyển nhượng
>> PSG lại “đại náo” thị trường chuyển nhượng

Đã đến lúc xóa bỏ thị trường chuyển nhượng cầu thủ?-1
Lewandowski (phải) sẽ phải thi đấu cho Dortmund cho hết hợp đồng - Ảnh: AFP

Chuyện liên quan đến Lewandowski đã ngã ngũ: CLB Dortmund quyết giữ anh ta ở lại nốt mùa bóng này cho trọn vẹn hợp đồng, và chấp nhận để anh ta tự do ra đi mùa hè tới mà không được nhận đồng chuyển nhượng cầu thủ nào.

Việc của Lewandowski là chờ, là chơi hay hơn để mùa hè tới thương lượng với CLB nào trả anh mức lương cao nhất. Nhưng Lewandowski không ngồi yên, anh chỉ trích Dortmund chơi không đẹp với anh khi không bán anh đi, cho Bayern Munich chẳng hạn. Mà chắc gì HLV Pep Guardiola đã chào đón anh, khi có hai thực tế rằng: Pep không thích dùng trung phong trong lối chơi ông ta muốn và Bayern đã có sẵn một trung phong rất hiệu quả là Mario Mandzukic.

Ta bàn chuyện thế nào là “chơi không đẹp” mà Lewandowski nói. Dortmund “chơi không đẹp” khi đưa Lewandowski từ CLB Ba Lan Lech Poznan năm 2010 về sân bóng có lượng khán giả trung bình lớn nhất châu Âu của họ, về đội bóng đang là á quân châu Âu và 2 lần vô địch Bundesliga trong 3 mùa giải qua?

Dortmund “chơi không đẹp” khi đặt niềm tin vào Lewandowski chứ không phải các trung phong khác của họ là Lucas Barrios, Mohamed Zidan, Nelson Valdez và biến Lewandowski thành một trung phong hoàn thiện hơn về các kỹ năng? 

Và một đội bóng được coi là “chơi không đẹp” khi họ chỉ yêu cầu cầu thủ của họ hoàn thành trọn vẹn hợp đồng đã ký trước đó?

Ta hoàn toàn trả lời được các câu hỏi trên.

Đã đến lúc xóa bỏ thị trường chuyển nhượng cầu thủ?-2
Suarez (bìa phải) cương quyết đòi rời khỏi Liverpool - Ảnh: AFP

Hè năm ngoái, Luis Suarez đặt bút vào bản hợp đồng kéo dài thêm với Liverpool, cầu thủ người Uruguay này đã nói: “Tôi hy vọng sẽ chơi cho Liverpool nhiều năm nữa. Đây là CLB vĩ đại, bất kỳ người nào ở trên thế giới cũng biết CLB này. Hợp đồng mới giúp tôi ở lại đội bóng và thành phố kỳ diệu này”.

Nhưng bây giờ thì sao? Suarez nằng nặc đòi ra đi và cũng phát ngôn về Liverpool kiểu “chơi không đẹp” như Lewandowski. Nếu Liverpool được dự Champions League mùa này thì chuyện có thể khác. Cũng hè năm ngoái, Bale ký hợp đồng mới 4 năm với Tottenham để cam kết tương lai với đội bóng này. Còn bây giờ, anh ta chỉ nghĩ đến Real Madrid.

Các CLB luôn ký cho cầu thủ tốt hợp đồng dài hạn với hy vọng cầu thủ sẽ trung thành và bản thân các CLB không phải đối mặt với mạo hiểm là để mất cầu thủ mà không thu lại xu chuyển nhượng nào. Nhưng thực tế không như vậy. Các cầu thủ chỉ trung thành cho đến khi có lời mời gọi khác hấp dẫn hơn.

Trong trường hợp nào, cầu thủ cũng có lợi. Với một hợp đồng dài hạn, dù có mất phong độ, không được thi đấu, cầu thủ vẫn được hưởng những khoản lương béo bở được ấn định từ trước.

Giải pháp nào cho tình trạng “không chơi đẹp” này? Đó là quy định tất cả các hợp đồng giữa cầu thủ và CLB chỉ có thời hạn 1 năm!

Thứ nhất, tất cả những Lewandowski, Suarez, Bale đều thỏa mãn ước muốn của họ: đến nơi cần đến, hưởng mức lương muốn hưởng. Nếu họ chơi tốt ở CLB mới, họ chính đáng trong việc đòi hỏi mức lương cao hơn. Còn nếu họ chơi tồi, sẽ có những cấp độ cho tương lai của họ: A – giảm lương để xin ở lại; B – cuốn gói đi chỗ khác (có thể đến những chỗ tệ hơn rất nhiều). Thế là “chơi đẹp”.

Thứ hai, các CLB không bị tắc tị với những hợp đồng dài hạn cho các cầu thủ “ăn không ngồi rồi”. Ví dụ như Chelsea phải trả 8 triệu bảng tiền lương trong 4 năm hợp đồng cho hậu vệ Hà Lan Winston Bogarde, trong 4 năm này, anh ta chỉ khoác áo Chelsea có 9 trận đấu. Mỗi CLB lớn bây giờ đều phải “nuôi báo cô” khoảng một tá cầu thủ như thế.

Đã đến lúc xóa bỏ thị trường chuyển nhượng cầu thủ?-3
Messi xứng đáng hưởng lương cao nếu tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng - Ảnh: AFP

Thứ ba, thị trường chuyển nhượng cầu thủ vì thế bị giật đổ xuống. Tất cả cầu thủ sau một năm đều được tự do thì còn mua bán gì nữa. Việc này sẽ tống ra đường một đám môi giới cầu thủ vốn được mệnh danh là những con đỉa khát máu trong thế giới bóng đá. Thêm nữa, mỗi mùa hè sẽ không có những vụ chuyển nhượng cầu thủ tiền tấn mà có lần cố Giáo hoàng John Paul II gọi là “sỉ nhục vào người nghèo” nữa.

Nếu áp dụng luật mới này, các cầu thủ hay nhất sẽ dồn về hết một vài đội bóng? Không có luật mới này thì các CLB nhiều tiền cũng đang có các cầu thủ hay nhất rồi. Nhưng điều đó cũng không đảm bảo thành công cho họ. Real Madrid là một ví dụ, từ năm 2002 đến nay, đội này chưa vô địch Champions League dù liên tục phá các kỷ lục mua cầu thủ.

Nếu áp dụng luật mới, lương của cầu thủ sẽ tăng vọt? Tài năng của Lionel Messi xứng đáng được hưởng 40 triệu euro mỗi mùa nếu mùa nào anh cũng ru hồn khán giả và ghi 73 bàn cho Barca như mùa 2011-12. Thà ký hợp đồng từng năm một như vậy còn hơn là ký hợp đồng 7 mùa, mỗi mùa trả Messi 20 triệu euro. Ai biết 3 năm sau, Messi sẽ đá ra sao.

Đừng lo các đội bóng kiệt quệ trong việc chạy tiền trả lương cầu thủ. Họ không phải mất tiền mua cầu thủ rồi. Và đạo luật UEFA Financial Fairplay buộc các CLB chỉ được chi tiền dựa trên những gì họ kiếm được từ bóng đá treo trên đầu họ rồi. Không cân đối được thu chi là họ bị đánh rớt hạng ngay.

Cũng đừng lo các cầu thủ như Messi chạy hết từ chỗ này qua chỗ khác vì đồng lương. Messi thừa biết lĩnh 40 triệu euro mỗi mùa ở Barca bền hơn là lĩnh 60 triệu euro mỗi mùa ở Chelsea hay Juventus. Vì thứ bóng đá ở Barca không hủy hoại tài năng của anh như ở những đội kia.

Khúc Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.