Đấy là vấn đề xã hội

15/10/2010 09:20 GMT+7

Chúng ta rút ra những kết luận gì từ loạt trận vòng loại Euro 2012 rất sôi động hôm giữa tuần? Đại khái là Guus Hiddink rút cuộc cũng chẳng xứng danh “phù thủy” như báo chí từng tâng bốc lúc ông gặp thời; rằng BĐN của ngôi sao Cristiano Ronaldo đã gượng mình trở dậy; rằng thắng lợi đôi khi không đến từ thành công của mình mà từ thất bại của những đối thủ cạnh tranh…

Chúng ta rút ra những kết luận gì từ loạt trận vòng loại Euro 2012 rất sôi động hôm giữa tuần? Đại khái là Guus Hiddink rút cuộc cũng chẳng xứng danh “phù thủy” như báo chí từng tâng bốc lúc ông gặp thời; rằng BĐN của ngôi sao Cristiano Ronaldo đã gượng mình trở dậy; rằng thắng lợi đôi khi không đến từ thành công của mình mà từ thất bại của những đối thủ cạnh tranh…

Nhưng có lẽ, kết luận đáng kể nhất phải được rút ra từ nơi coi như không có bóng đá: trận Ý – Serbia, bị hủy chỉ sau 6 phút. Tại đấy, đám đông được xem là cổ động viên Serbia đã chứng tỏ một lần nữa: bóng đá vẫn luôn là một vấn đề xã hội.

Chuyện Hiddink và đội tuyển TNK do ông dẫn dắt thất bại thảm hại trên sân Azerbaijan chỉ là kết quả hy hữu. Dung mạo tồi tệ của đội tuyển Anh ở trận tiếp Montenegro cũng vậy. Đấy không phải là vấn đề, bởi những kết quả như thế sẽ không thường xuyên lặp lại. Cũng vậy, chuyện BĐN khôi phục phong độ chỉ là nhất thời. Họ sẽ không thắng mãi. Và họ mãi mãi vẫn phải xếp dưới người anh em trên bán đảo Iberia là TBN về mặt đẳng cấp. Chúng ta tạm gọi những sự kiện như thế là chuyện bóng đá thuần túy.

Chuyện về các cổ động viên Serbia thì cả thế giới đã biết. Những thông tin khác nhau về sự kiện này bất quá chỉ khác ở chỗ tường thuật chi tiết hay tổng quát mà thôi. Điều mấu chốt là: những kẻ vào sân trong tư cách CĐV bóng đá của Serbia thật ra không hề có mục đích xem bóng đá. Rõ ràng, họ chỉ chờ khi quốc thiều Serbia được cử lên để huýt sáo chế giễu. Họ chỉ chực chờ cơ hội gây rối và choảng nhau với cảnh sát cho đã nư. Và họ vào sân, trong một trận đấu giữa Ý với Serbia chỉ để… đốt cờ Albania. Vào xem bóng đá thì mang theo quốc kỳ của một quốc gia không ăn nhập gì với trận đấu, để làm gì?

Đấy là chuyện của xã hội Serbia, hơn là của bóng đá Serbia. Phải hiểu như thế để thấy rằng có không ít phát biểu đưa ra sau sự kiện đình đám này là những phát biểu lạc đề. Đội tuyển Serbia không phải là nguyên nhân chính để đám đông gây rối. Không ít bài bình luận xâu chuỗi thất bại của đội tuyển Serbia tại World Cup 2010 với hành vi gây rối của đám đông trên khán đài. Nhưng Serbia mà được góp mặt ở VCK World Cup thì đã là thành công rồi. Về mặt đẳng cấp, nền bóng đá  này đâu có hơn gì Nga hoặc Thụy Điển – các đội thậm chí không qua khỏi vòng loại World Cup.

Suốt một thời gian dài trước đây, tội phạm chiến tranh Arkan (Zeljko Raznatovic) đã bảo trợ cho những băng nhóm bạo lực mang danh nghĩa cổ động viên bóng đá để tấn công những thành phần mà chúng ghét bỏ. Trên cả hooligans hoặc ultras, các băng nhóm ấy được quảng cáo và hoạt động công khai ở nơi từng là Nam Tư. Bóng đá chỉ là phương tiện để chuyên chở sự thù hằn của những phần tử như thế. Làm sao để đối phó với nạn bạo lực xuất phát từ loại “cổ động viên bóng đá” ấy, đấy là việc của Serbia. Có một kênh truyền hình Serbia bình luận sau khi trận Ý – Serbia bị hủy bỏ: “Serbia (không phải bóng đá Serbia) phải lấy làm xấu hổ vì những hình ảnh thế này”. Nói vậy có nghĩa là người ta (hoặc chí ít là cũng có một bộ phận nào đấy) không bao giờ thấy xấu hổ về chuyện vào sân chỉ để đánh nhau?

Vấn đề xã hội là ở chỗ ấy.

Nnguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.