Hết vé, rồi sao nữa?

17/04/2010 09:52 GMT+7

FIFA công bố: 53.000 vé World Cup đã được tiêu thụ sau 8 giờ bán lẻ đầu tiên. Tính đến hôm qua, đã có 23 trận đấu hết vé, gồm cả trận khai mạc, 2 trận bán kết và trận chung kết.

FIFA công bố: 53.000 vé World Cup đã được tiêu thụ sau 8 giờ bán lẻ đầu tiên. Tính đến hôm qua, đã có 23 trận đấu hết vé, gồm cả trận khai mạc, 2 trận bán kết và trận chung kết.

Toàn bộ VCK World Cup có 64 trận. FIFA hy vọng, biện pháp đưa số vé bị các LĐBĐ và giới tài trợ trả lại ra bán lẻ sẽ thành công mỹ mãn, nghĩa là sẽ có thêm nhiều trận hết vé trong những ngày này.

Trong ngày đầu tiên bán lẻ vé World Cup, đã có người thiệt mạng, nghi là bị nhồi máu cơ tim, khi đang xếp hàng. Có những hình ảnh được chú thích là người ta đã ăn, ngủ tại chỗ từ trưa hôm trước để chờ đến giờ bán vé. Cậu sinh viên Muhammed Dadabhay bỗng trở thành “celebrity” chỉ vì đấy là người đầu tiên mua được vé World Cup tại quầy. Ba vé cho trận khai mạc và 3 vé cho trận chung kết. Báo chí vây quanh phỏng vấn. Giám đốc điều hành của Ban tổ chức World Cup Danny Jordaan hào hứng bình luận: “Người ta không chỉ mua vé, ai cũng muốn mua lại một phần của lịch sử”. FIFA thì xoa tay mãn nguyện, chờ sự nói lại từ các tờ báo đã nhận định rằng đây là kỳ World Cup ế vé.

Vấn đề là ở chỗ: World Cup không chỉ gồm chuyện vé có bán hết hay không. Và ngay trong cái lĩnh vực bán vé có vẻ nhỏ nhoi này, cũng còn nhiều chuyện để bàn. Ở những kỳ World Cup trước, vẫn luôn có tình trạng khán đài còn nhiều chỗ trống (dĩ nhiên là ở các trận không quan trọng) trong khi FIFA lặp đi lặp lại rằng đã hết vé từ lâu. Mỗi nước có đội dự VCK đều được FIFA cấp vé. Và nếu số vé ấy không trả lại thì sổ sách FIFA chính thức ghi nhận là “hết vé”. Nước Anh có phân phối hết số vé mà FIFA dành cho họ hay không, đấy lại là chuyện khác.

Rồi đây, gần như chắc chắn vẫn sẽ xuất hiện hình ảnh khán đài trống vắng, do số vé cấp cho các nền bóng đá lớn không được phân phối hết (và những nền bóng đá ấy cũng chẳng thèm làm cái chuyện vặt vãnh là trả lại vé vì sợ lỗ). Số vé “tiêu chuẩn” của giới tài trợ cũng vậy. Nếu các giám đốc (được các nhà tài trợ biếu vé) e ngại vấn đề an ninh, không thấy hào hứng với chuyện lặn lội sang tận Nam Phi để xem World Cup, thì chỗ của họ sẽ trống. Thế thôi, cho dù người dân Nam Phi trong những ngày này có thể ngủ đêm tại chỗ xếp hàng, thậm chí có thể thiệt mạng vì cố mua được số vé bán lẻ.

Điều quan trọng nữa: hình ảnh khán đài đầy ắp chưa chắc nói lên một bầu không khí bóng đá thật sự. Ai giỏi hơn Mỹ về chuyện tổ chức World Cup? Nhưng khi dân Mỹ kéo đến chật sân để nhai bắp rang, nhìn mây bay và giảng cho nhau thế nào là luật việt vị, đấy không bao giờ là bầu không khí bóng đá đích thực. World Cup 1994 không bao giờ là kỳ World Cup thật sự thành công, như FIFA tuyên bố. World Cup 2010 tại Nam Phi biết đâu vậy, vì Nam Phi còn thua Mỹ quá xa về năng lực tổ chức.

FIFA có thể bán lẻ vé xem World Cup với giá rẻ mạt (16 USD là có vé rồi). Nhưng nếu khán giả Nam Phi vào sân chỉ vì “đó là lịch sử”, như bình luận của Danny Jordaan, nếu họ vào sân mà chẳng cần quan tâm đội nào sẽ thắng, chẳng hề thổn thức với từng pha bóng, không có được cảm giác hồi hộp khi đội “của mình” suýt thủng lưới, thì còn gì là bóng đá?

Nguyễn Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.